BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Công thương trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh về giá cả xăng dầu

Cập nhật ngày: 06/07/2010 - 05:21

(BTNO) - Cử tri Tây Ninh kiến nghị:  Thời gian qua, giá cả mặt hàng xăng dầu không ổn định, liên tiếp tăng (2 lần trong một tháng) gây khó khăn cho người đầu tư sản xuất, kinh doanh. Giá dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu thế giới là hợp lý. Tuy nhiên, thời gian qua khi giá dầu thế giới tăng thì ngay lập tức Nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tăng, nhưng khi giá dầu giảm thì Nhà nước lại chậm giảm giá, giảm nhỏ giọt. Điều này rất bất công vì chỉ giúp cho các công ty xăng dầu hưởng lợi. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng này hoặc xoá bỏ cơ chế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu như hiện nay để giá xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường.

Bộ Công thương trả lời: Theo chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì về quản lý giá nói chung, trong đó có giá mặt hàng xăng dầu nói riêng. Với tư cách là cơ quan phối hợp để bảo đảm nguồn hàng, tổ chức hệ thống phân phối nhằm cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa, Bộ Công Thương xin được giải trình như sau:

1. Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 29 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kh XII

Ngày 19.3.2010, tại phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ và theo sự phân công của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Báo cáo số 111/BC-BTC ngày 17.3.2010 giải trình về công tác điều hành giá cả đối với một số mặt hàng thời gian qua và các biện pháp bình ổn giá. Bộ Công Thương xin được gửi phần giải trình có liên quan đến giá xăng dầu đến cử tri (kèm theo văn bản trả lời này).

2. Về trách nhiệm của Bộ Công Thương

Với chức năng quản lý Nhà nước về bảo đảm nguồn hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và đời sống, một mặt Bộ Công Thương cũng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc xảy ra một số điều bất cập trong điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua, gây bức xúc cho nhân dân và dư luận, Bộ xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan khắc phục, làm tốt hơn vai trò giám sát, quản lý, kiểm tra hoạt động của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, cũng xin báo cáo cử tri một số đánh giá tổng quát tình hình thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thời gian qua cũng như hướng khắc phục các tồn tại phát sinh như sau:

a) Đánh giá tổng quát về tình hình thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP trong thời gian vừa qua

Sau khoảng 03 tháng thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, qua các phân tích nêu trên, xin rút ra một số nhận xét bước đầu như sau:

* Về ưu điểm

- Trước hết, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP tiếp tục thể hiện sự nhất quán trong chủ trương chuyển sang cơ chế thị trường của Chính phủ trong điều hành xăng dầu. Trên thực tế, thời gian qua giá bán trong nước đã từng bước phản ánh sát hơn diễn biến của giá thị trường thế giới.

- Tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng hơn, giúp cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tự quyết và chịu trách nhiệm cao hơn với quyết định giá của mình trước nhân dân, xã hội và cơ quan quản lý nhà nước

- Chuyển phương thức giám sát, quản lý giá bán xăng dầu của cơ quan nhà nước từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" theo đúng tinh thần cải cách hành chính của Chính phủ, vừa giảm tải khối lượng các tác nghiệp mà vẫn nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, gần như loại trừ được các hành vi đầu cơ găm hàng trước mỗi lần điều chỉnh giá bán, góp phần làm cho thị trường xăng dầu thêm ổn định. Thời gian qua, việc giám sát của Liên bộ Tài chính- Công Thương về giá bán xăng dầu tuân thủ đúng các quy định của luật pháp.

* Về tồn tại

- Các cơ quan quản lý nhà nước chưa chủ động, nhạy bén trong việc kiểm tra, giám sát quá trình điều hành giá bán xăng dầu, vừa bảo đảm theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, vừa góp phần kiềm chế lạm phát, cụ thể là:

+ Trong cơ cấu giá bán hiện nay, chưa kể khoản thu Quỹ bình ổn giá, các loại thuế, phí mà Nhà nước thu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí xăng dầu) chiếm một tỉ lệ lớn, khoảng 35% đối với mặt hàng xăng và gần 30% đối với các mặt hàng dầu. Để hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người tiêu dùng và bảo đảm góp phần kiểm soát lạm phát, có thể điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chính phủ nếu vượt thẩm quyền về tỉ lệ các khoản thu này, qua đó đưa mặt bằng giá xăng dầu xuống thấp bớt.

+ Theo quy định hiện hành, việc trích vào Quỹ bình ổn giá được tiến hành thường xuyên khi giá biến động dưới 7%, với mức trích cố định là 300 đồng/lít,kg trên lượng bán ra hàng tháng của thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được kết cấu trong giá bán xăng dầu. Tuy nhiên cần phải tính toán việc trích lập để khống chế quy mô của Quỹ, trong trường hợp ưu tiên kiềm chế lạm phát, có thể tạm dừng trích để có điều kiện góp phần bảo đảm mặt bằng giá xăng dầu tăng hợp lý, ở mức thấp.

+ Cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa chủ động tăng cường công tác cung cấp thông tin để các cơ quan hoạch định, giám sát chính sách vĩ mô ở các lĩnh vực khác (như tài chính-tiền tệ, giao thông, xây dựng...), báo giới, cộng động doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về thực tế tình hình thế giới và quá trình điều hành giá xăng dầu theo cơ chế hiện hành.

+ Trong lúc cả nước tăng cường kiểm soát lạm phát, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối cần phải quán triệt trách nhiệm tham gia chung vào bình ổn giá thông qua việc giãn khoảng thời gian giữa các lần điều chỉnh giá, tránh số lần điều chỉnh quá nhiều, cũng như tính toán lợi nhuận ở mức phù hợp, tối thiểu trong định mức cho phép, tiết giảm tối đa các chi phí không thực sự cần thiết.

+ Có thời điểm, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối lựa chọn việc điều chỉnh giá xăng dầu (như ngày 21 tháng 2 năm 2010 vừa qua), tuy theo quy định của pháp luật là không sai, nhưng không phù hợp với tập quán, thói quen, tâm lý của người tiêu dùng nên không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội...

b) Hướng khắc phục thời gian tới

Để quản lý mặt hàng xăng dầu nói chung và việc điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước nói riêng vừa tuân thủ pháp luật vừa góp phần kiềm chế lạm phát, tạo sự đồng thuận của xã hội, thời gian tới, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các công việc sau:

- Một mặt tiếp tục thực hiện điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước đã được quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, mặt khác nếu thấy có sự bất hợp lý sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp (việc này đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

- Tăng cường công tác thông tin, truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo đó:

+ Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin khách quan, kịp thời, chính xác về diễn biến giá thế giới, cơ chế điều hành, kết quả giám sát những lần điều chỉnh giá.

+ Đề nghị Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan chủ trì giám sát về giá xăng dầu, thời gian tới cần tăng cường cung cấp thông tin bằng các hình thức phù hợp sau mỗi lần điều chỉnh giá tới nhân dân và dư luận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chủ động cung cấp thông tin về diễn biến giá thế giới, phương pháp tính toán giá cơ sở dẫn đến điều chỉnh giá của doanh nghiệp theo tinh thần công khai, minh bạch.

Thanh Nhàn

(trích đăng)