BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ đội Hải quân nhớ mãi một lần Chủ tịch nước đến thăm 

Cập nhật ngày: 26/09/2018 - 09:01

BTNO - Trong niềm tiếc thương tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng, cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hồi tưởng lần Chủ tịch nước về thăm Quân chủng mùa xuân năm 2017.

Biến đau thương thành hành động, bộ đội hải quân nguyện khắc sâu, thấm nhuần và quyết tâm thực hiện di huấn của Chủ tịch nước, giữ vững ba mục tiêu quan trọng về biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ đội Hải quân đón Chủ tịch nước đến thăm. Ảnh Duy Khánh

Hôm nay, hơn 90 triệu người dân đất Việt để tang, kính cẩn và tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang- người đại biểu tận tâm, tận lực của nhân dân vào cõi vĩnh hằng.

Lời huấn thị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã, đang và sẽ được những người giữ biển thực hiện. Đó cũng là lòng tri ân của bộ đội Hải quân đối với vị Chủ tịch nước- người đại biểu của nhân dân, hết lòng cống hiến, phục vụ vì nước, vì dân.

Trong thời gian giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đại Quang đã dành thời gian đến thăm các lực lượng bộ đội Hải quân đóng quân ở nhiều địa phương trong cả nước. Mỗi lần đến thăm là một lần Chủ tịch nước để lại tình cảm và ấn tượng sâu sắc trong lòng cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, có lần đồng chí đến thăm bộ đội Hải quân và chúc Tết bộ đội Trường Sa qua sóng truyền hình tại Hải Phòng, được coi là “lần gặp gỡ đặc biệt” giữa Chủ tịch nước với những người lính biển.

Đó là ngày 18.1.2017 - Xuân Đinh Dậu.

Hôm ấy, cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân (số 38 Điện Biên Phủ, Hồng Bàng, Hải Phòng) nhộn nhịp đông vui. Cán bộ, chiến sĩ chỉnh tề, hồi hộp chờ đón Chủ tịch nước. Sau nghi thức chào đón của các chiến sĩ theo điều lệnh quân đội trong khuôn viên Bộ Tư lệnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi thăm nơi ăn, nghỉ, học tập, làm việc của cán bộ, chiến sĩ. Gặp các cán bộ, chiến sĩ, Chủ tịch nước thân thiện bắt tay, thăm hỏi ân cần và động viên phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Trước biến động khó lường của tình hình an ninh biển, đảo, Chủ tịch nước đã căn dặn và yêu cầu Quân chủng Hải quân phải giữ cho được ba mục tiêu quan trọng, đó là “Giữ vững chủ quyền biển đảo; giữ vững môi trường hòa bình; duy trì phát triển quan hệ hữu nghị với các nước”.

Chuẩn Đô đốc, Chính ủy Hải quân Đinh Gia Thật tặng mô hình Cột mốc chủ quyền Trường Sa cho Chủ tịch nước- Ảnh Duy Khánh.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Quân chủng Hải quân cần tăng cường quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các lực lượng liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên biển. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại về quốc phòng theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Hải quân các nước láng giềng, thực hiện tốt tuần tra chung với các nước trong khu vực để góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”. 

Trước thềm năm mới Xuân Đinh Dậu, tại Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân, qua hệ thống truyền hình trực tuyến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói chuyện và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa; cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 và các tàu Hải quân làm nhiệm vụ trên biển.

Đồng chí Trần Đại Quang khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận những đóng góp của quân và dân Trường Sa, Nhà giàn DK1 vững vàng bám biển để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng chí cũng căn dặn cán bộ chiến sĩ Trường Sa, DK1, các tàu trực Hải quân đón Xuân mới đoàn kết, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và sẵn sàng chiến đấu cao; khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

2. Mới đó mà đã vời xa. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi vào cõi vĩnh hằng. Vẫn hiểu “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của mỗi đời người, nhưng sự ra đi của Chủ tịch nước là một mất mát, tổn thất lớn đối với dân tộc, nhất là trong thời điểm cả nước đang chung sức, đồng lòng “diệt giặc nội xâm” trong công cuộc chống tham nhũng. Còn những người giữ biển, đảo của Tổ quốc mất đi vị Chủ tịch nước đáng kính có tầm nhìn chiến lược về chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trong tương lai- thời kỳ tiến sâu vào hội nhập kinh tế, chính trị trên chính trường quan hệ quốc tế.

Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam và những người cộng sản chân chính sẽ thực hiện ước nguyện của Chủ tịch nước về chống tham nhũng như sinh thời đồng chí đã huấn thị “Chúng ta chống tham nhũng với tinh thần là không có vùng cấm”. Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ khắc ghi và phát huy nội lực như đồng chí đã dạy “Mỗi khi đất nước gặp phải khó khăn, thử thách thì trí tuệ Việt Nam lại bừng sáng để biến nội lực thành sức mạnh to lớn”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang viết vào Sổ vàng truyền thống của Quân chủng Hải quân-Ảnh Duy Khánh

Bè bạn thế giới nhớ mãi câu nói của Chủ tịch nước về sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc “Con đường duy nhất để biến ước vọng thành hiện thực là tất cả các quốc gia đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi”. Trong “cuộc chiến” thương mại hóa toàn cầu, các quốc gia, vùng lãnh thổ khắc ghi quan điểm vì ngôi nhà chung của Chủ tịch nước “Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các nước cần chung sức chung lòng, tạo động lực mới, làm sống động thương mại và đầu tư”.

Trong đấu tranh bảo vệ và giữ gìn môi trường hòa bình trên Biển Đông, Chủ tịch nước luôn mong muốn “Việt Nam mong muốn thế giới nói chung và cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan về tình hình Điển Đông”. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, quân và dân Trường Sa sẽ chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, dự báo, xử lý linh hoạt, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; dù gian khổ, hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã vĩnh biệt nhân gian. Hơn 90 triệu người dân đất Việt tưởng nhớ và ghi ơn đồng chí. Bộ đội Hải quân, Trường Sa, DK1 sẽ thực hiện di huấn của Chủ tịch nước “Trong vấn đề Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”.

Và phải giữ vững cho được ba mục tiêu về biển đảo, đó là: “Giữ vững chủ quyền biển đảo; giữ vững môi trường hòa bình; duy trì phát triển quan hệ hữu nghị với các nước” trong thời kỳ tiến rộng, hội nhập sâu vào cộng đồng thế giới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mai Thắng