Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ đội Việt Nam 'phủ xanh' đất cằn ở Nam Sudan
Thứ tư: 09:19 ngày 14/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam biến những khoảnh đất khô cằn thành vườn rau, luống hoa khiến nhân viên phái bộ Liên Hợp Quốc bất ngờ.

Bentiu (Nam Sudan) là vùng đất khô khốc, chỉ những cây bụi gai không lá và cỏ dại sống được.

Thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, nhiệt độ ngoài trời từ 45 đến 50 độ C khiến khu vực đóng quân của Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc (UNMISS) ở đây lúc nào cũng bức bối. Giữa chốn cằn cỗi đó, khu doanh trại bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1) của Việt Nam nổi lên như một công viên xanh mướt với cây cỏ, hoa lá, rau xanh.

Các phòng container của doanh trại được nối với nhau bởi những giàn mướp trĩu quả. Trước cửa phòng là hoa hướng dương, thược dược... đua nhau khoe sắc; giàn mồng tơi leo kín tường tạo thành thảm xanh mát mắt.

Cây mướp đầu tiên được bác sĩ Bùi Đức Thành đào hố, nhờ người lấy đất tốt bên ngoài doanh trại đem về trồng. Ảnh: BVDC

Để có được công viên xanh ấy, các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam đã phải trải qua những ngày tháng gian nan của buổi đầu mới đặt chân lên vùng đất này.

Giám đốc bệnh viện dã chiến Bùi Đức Thành kể, năm 2018, khi 64 người của bệnh viện xuất quân đi làm nhiệm vụ, hành trang của họ đều có các túi hạt giống mang theo để trồng. Đây là kinh nghiệm được truyền lại từ những sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ở châu Phi, do thực phẩm của Liên Hợp Quốc cung cấp chỉ toàn đồ hộp và hàng đông lạnh. 

"Ngày đầu tiên đến Bentiu, sự mệt mỏi của chuyến hành quân xa cùng với thời tiết nắng nóng, đất đai khô khốc khiến tâm trạng của cán bộ, nhân viên bệnh viện bị ảnh hưởng đáng kể", trung tá Thành kể.

Bác sĩ Bùi Đức Thành thu hoạch mướp, xung quanh nhà ở, nhiều loài hoa khoe sắc. Ảnh: BVDC

Anh Thành xốc lại tinh thần các thành viên bằng câu nói "không có việc gì khó". Sau khi nghiên cứu kỹ khí hậu, đất đai ở Bentiu, trung tá Thành quyết định gieo hạt mướp vì khả năng sống sót cao, trường hợp cây không thể ra hoa kết trái thì giàn mướp cũng sẽ cho bóng mát, giảm nhiệt độ ngoài trời.

Tuy nhiên, doanh trại đóng trên mảnh đất cứng và cằn, thiếu dinh dưỡng nên không thể gieo hạt. Bằng kinh nghiệm của con nhà nông, anh Thành thử nghiệm ngâm 7 hạt mướp vào nước ấm, sau 4 tiếng vớt ra ủ vào giấy vệ sinh đặt trong chiếc cốc. Mỗi ngày anh lại tưới một ít nước để giữ ẩm.

Sau ba ngày hồi hộp, những mầm trắng đầu tiên nhú ra rồi mọc rễ. Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn là lấy đất ở đâu để trồng. Anh nghĩ ra sáng kiến đào hố, nhờ sĩ quan ở các đơn vị bộ binh được phép ra ngoài doanh trại đi tuần tra, lấy giúp đất tơi, mỗi ngày một túi nhỏ đổ vào hố.

"Cứ như vậy dần dần hố cũng đầy đất. Sau giờ làm, tôi lại chăm lo, tưới tắm, che nắng che mưa cho cây, bảo vệ cây khỏi côn trùng, châu chấu, chăm bẵm như em bé", anh Thành kể. Từ 2 lá, 4 lá, cây bò lên cao dần, ra hoa kết trái như thách thức với nắng nóng sa mạc Châu Phi.

Từ cây đầu tiên, các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam được truyền cảm hứng và sau đó nhiều giàn mướp đã mọc lên quanh doanh trại. Các loại rau khác như mồng tơi, rau đay, rau muống cũng dần được bổ sung nhờ sự cần cù của những y, bác sĩ sau giờ làm ở bệnh viện.

Bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã phủ xanh khoảng 200 m2 đất cằn cỗi ở khu vực doanh trại, cung cấp rau ăn hàng ngày và tặng các đơn vị bạn. Ảnh:  BVDC

Phụ trách phòng tác chiến, nữ thiếu uý Sa Minh Ngọc thường kết thúc công việc hàng ngày của mình khi mặt trời đã xuống núi. Để giải toả căng thẳng và áp lực, Ngọc hỗ trợ chiến sĩ khối hậu cần trồng hoa quanh bệnh viện. Bên cạnh hướng dương, cúc, thược dược, loài hoa được trồng nhiều nhất là mười giờ vì dễ sống, mạnh mẽ, lớn nhanh và nở nhiều hoa.

"Trồng hoa vào đỉnh điểm của mùa khô, nắng nóng và thiếu nước nên các anh hậu cần phải xếp hàng ngoài đơn vị cả ngày để có nước chăm vườn rau, hoa quanh bệnh viện", thiếu úy Ngọc chia sẻ.

Thời gian tăng gia, trồng rau, hoa cũng giúp điều dưỡng, thiếu tá Bùi Thị Xoa vơi bớt nỗi nhớ nhà. "Sau những ca trực mệt mỏi, nắng nóng, khi về đến doanh trại thấy rau xanh, hoa nở, cảm giác thư giãn hơn nhiều", chị Xoa nói.

Sau khoảng 9 tháng, bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã có 200 m2 đất được phủ xanh bằng những vườn rau, giàn mướp, giàn bầu... cung cấp rau xanh cho toàn đơn vị. Các chiến sĩ Việt Nam còn tặng rau củ quả cho các đơn vị bạn như Mông Cổ, Anh, Ghana và các cán bộ, nhân viên Liên Hợp Quốc.

Theo Giám đốc bệnh viện Bùi Đức Thành, mô hình tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lan rộng toàn UNMISS. Hiện nay, bệnh viện dã chiến không chỉ trồng rau cho đơn vị mà còn cử người sang hướng dẫn, cung cấp hạt giống cho các đơn vị nước khác ở phái bộ.

Trong hơn 9 tháng làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Bentiu (Nam Sudan), bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1) của Việt Nam đã khám và điều trị cho 1.300 lượt bệnh nhân, mổ 60 ca trong đó có 20 ca trung và đại phẫu, vận chuyển bằng đường không về tuyến sau 6 trường hợp bệnh nhân nặng.

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011 với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1) của Việt Nam bắt đầu tham gia UNMISS từ tháng 10/2018.

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục