Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 12/5, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) và môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình này.
Học sinh trường THCS Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ) với hành trình về cội nguồn dân tộc tại Di tích Cổ Loa (Ảnh: FB nhà trường)
Tham gia cuộc làm việc có thành viên Ban phát triển chương trình GDPT 2018, thành viên Hội đồng thẩm định chương trình GDPT tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn Lịch sử trong chương trình GDPT 2018.
Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, trong đó đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới của bậc THPT. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là môn Lịch sử được xếp vào nhóm lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học và xã hội. Nhiều người lo ngại rằng, khi không phải là môn bắt buộc, học sinh sẽ ít lựa chọn học môn Lịch sử, từ đó có thể dẫn đến việc thế hệ sau phai nhạt lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm công dân…. Một số chuyên gia bày tỏ quan điểm: Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình GDPT 2018 thì giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9). Khi học xong cấp THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.
Ở cấp THPT, Chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn để tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Như vậy, Chương trình GDPT mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Nguồn kinhtedothi