Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Công tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam nói chung còn thiếu tính chiến lược, quy hoạch chung chung, hiệu quả chất lượng nhân lực thấp (về trí lực, thể lực, đạo đức) không đáp ứng yêu cầu phát triển. Đề nghị cần có một chiến lược cụ thể, triển khai thực hiện đồng bộ.
Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Công tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam nói chung còn thiếu tính chiến lược, quy hoạch chung chung, hiệu quả chất lượng nhân lực thấp (về trí lực, thể lực, đạo đức) không đáp ứng yêu cầu phát triển. Đề nghị cần có một chiến lược cụ thể, triển khai thực hiện đồng bộ.
Ngay trước thềm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có công văn trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh như sau:
Theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020, Bộ Giáo dục – Đào tạo là một trong nhiều cơ quan tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đó. Tháng 5.2008, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng Dự thảo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020. Tới đây khi Chiến lược phát triển KT- XH đến năm 2020 được thông qua, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cả nước sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh.
Những năm qua, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ và tổ chức, chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực với các nội dung chính sau:
Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020 (121/2007/QĐ-TTg ngày 27.7.2007) làm cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển mạng lưới đào tạo nhân lực có trình độ đại học;
Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng để thành lập Trung tâm quốc gia về dự báo và thông tin thị trường lao động đặt tại Bộ LĐ- TB & XH. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã thành lập Trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Hai Trung tâm này sẽ cung cấp thông tin cơ bản về cung và cầu trên thị trường lao động để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở phạm vi quốc gia và từng địa phương;
Bộ GD-ĐT đề xuất với Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo quóc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ ngành và lãnh đạo UBND 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để tham mưu cho Thủ tướng về chính sách, cơ chế và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội;
Công nhân Công ty cơ khí Tây Ninh |
Từ tháng 2.2007, Bộ GD-ĐT đã cùng các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và tổ chức đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội tập trung vào một số ngành ưu tiên, thiếu nhân lực lực trầm trọng là: Tài chính – Ngân hàng, Du lịch, Công nghệ thông tin, Đóng tàu, Nông Lâm Thuỷ sản và Chế biến, Y tế. Sắp tới đây, Bộ sẽ tập trung vào những ngành khác là Giao thông Vận tải, Xây dựng. Thời gian qua đã có trên 600 hợp đồng hoặc thoả thuận ký kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để cung ứng cho gần 10.000 lao động có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và trên 20.000 lao động có trình độ dạy nghề.
Trong hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt với những thay đổi tích cực trong thời gian gần đây, nguồn nhân lực nước ta đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển KT- XH, giữ vừng an ninh chính trị và tạo điều kiện cho đất nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực nước ta còn nhiều bất cập: Thể lực và tầm vóc (chiều cao và cân nặng) của nhân lực Việt Nam nhìn chung thuộc loại trung bình chưa đáp ứng được yêu cầu cường độ làm việc của xã hội công nghiệp hiện đại và chậm được cải thiện so với một số nước trong khu vực;
Kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của nhân lực Việt Nam còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới và so với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới;
Hiện còn thiếu nhiều nhân lực trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và nâng cao toàn diện chất lượng nhân lực; Trình độ và năng lực sử dụng ngoại ngữ của nhân lực Việt Nam còn rất thấp;
Phần lớn người lao động còn mang thói quen và tập quán của người nông dân, người sản xuất nhỏ; tính chủ động, năng động còn thấp; tinh thần hợp tác và làm việc theo nhóm còn yếu; đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và ý thức chấp hành kỷ luật lao động của bộ phận lao động còn kém.
Những hạn chế của nguồn nhân lực nước ta do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Chẳng hạn như nhận thức của các cấp, các ngành và địa phương (hầu hết các địa phương không có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong khi chiến lược khung của quốc gia phải là sự tổng hợp nhu cầu từ các địa phương), suất đầu tư đào tạo nhân lực còn thấp, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế, hệ thống thông tin thị trường lao động mới được thành lập, cơ quan quản lý đào tạo nhân lực còn chồng chéo…
Do vậy, bên cạnh việc phối hợp với Bộ KH-ĐT cùng các Bộ ngành và địa phương xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam đến năm 2020, Bộ GD-ĐT với tư cách là Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các địa phương phải xây dựng quy hoạch nhân lực và chiến lược phát triển nguồn nhân lực dựa theo Chiến lược phát triển KT- XH 2011 đến 2015 và hướng đến 2020 (sau Đại hội Đảng khoá XI). Việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và tổ chức thực hiện cần được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các Bộ ngành và địa phương.
HY UYÊN