Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong số hàng ngàn, thậm chí hàng vạn ý kiến trên mạng xã hội, thậm chí có người dẫn ra vài "căn cứ" và kết luận: chuyển Lịch sử thành môn học tự chọn, Bộ GD&ĐT làm trái nghị quyết của Quốc hội. Vậy, có hay không?
“Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến toàn dân từ ngày 12.4.2017 đến ngày 20.5.2017.
Dự thảo chương trình các môn học được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19.1.2018 đến 19.3.2018. Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định (Hội đồng thẩm định chương trình tổng thể, các Hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ GD&ĐT đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26.12.2018 của Bộ GD&ĐT”- trích thông cáo báo chí của Bộ GD&ĐT.
Câu chuyện Lịch sử thành môn học tự chọn ở cấp THPT, bắt đầu từ năm học 2022-2023 đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Không chỉ những người ngoài ngành Giáo dục, nhiều người trong ngành cũng hiểu sai bản chất vấn đề, thậm chí quy chụp, suy diễn tuỳ tiện. Trong số hàng ngàn, thậm chí hàng vạn ý kiến trên mạng xã hội, thậm chí có người dẫn ra vài "căn cứ" và kết luận: chuyển Lịch sử thành môn học tự chọn, Bộ GD&ĐT làm trái nghị quyết của Quốc hội. Vậy, có hay không?
Ngày 28.11.2014, Quốc hội khoá XIII thông qua Nghị quyết số 88/2014/QH13 đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo tinh thần này, giáo dục phổ thông 12 năm chia làm hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm, cấp trung học cơ sở 4 năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào đời sống, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên.
Cấp tiểu học, trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông, yêu cầu học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích luỹ tín chỉ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi cảm tưởng và chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khi đến thăm Di tích lịch sử chiến thắng Tua Hai (Ảnh minh hoạ, chụp năm 2019).
Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt, Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hoá và kinh tế - xã hội của địa phương, dành thời lượng cho cơ sở giáo dục vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường…
Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, ngày 27.3.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quyết định 404 của Thủ tướng yêu cầu chương trình mới được xây dựng phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục trong Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng.
Đề án này trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9.6.2014 của Chính phủ, trong đó quy định, giáo dục phổ thông được phân thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp xác định thời điểm và mức độ phân hoá, hướng nghiệp phù hợp.
“Chương trình mới, sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu của giai đoạn giáo dục cơ bản là bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng và chủ động chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông. Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học, cấp học trên.
Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn”- trích Quyết định 404 của Thủ tướng.
Trên cơ sở Nghị quyết 88 và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26.12.2018, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Thông tư quy định: “Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp (gọi tắt là các môn học lựa chọn) và các môn học tự chọn”.
Ở cấp THPT, ngoài 5 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc, có ba nhóm môn để học sinh lựa chọn, gồm: Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.
Như vậy, không hề có chuyện Bộ GD&ĐT làm trái nghị quyết của Quốc hội và càng không trái với nội dung Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ như một số ý kiến đang tranh luận sôi nổi thời gian gần đây.
Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã ban hành từ rất lâu, công khai, dễ tra cứu. Lẽ ra, những người trong ngành Giáo dục phải biết, thậm chí nắm chắc những nội dung này. Nhưng, thật sự lấy làm tiếc vì không ít cán bộ quản lý, giáo viên không hề biết đến sự tồn tại của những quyết sách quan trọng nêu trên.
“Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng."; "Xây dựng và chuẩn hoá nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”- trích Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
VIỆT ĐÔNG