BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chính phủ đang tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về DNNN

Cập nhật ngày: 15/11/2012 - 05:44

Xây dựng Khu dân cư biên giới Chàng Riệc (tháng 12.2011).

(BTNO) - Trong các cuộc tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri Tây Ninh đã bày tỏ lo ngại trước hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động hầu hết trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, làm suy giảm năng lực cạnh tranh và giảm hiệu quả đầu tư. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kết quả của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng công ty và thông báo công khai kết quả thanh tra, kiểm toán để nhân dân được biết, đồng thời kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân sử dụng vốn ngân sách nhà nước để kinh doanh trái ngành nghề không mang lại hiệu quả, gây thất thoát cho ngân sách.

Trả lời những kiến nghị của cử tri Tây Ninh, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung và tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đang được Chính phủ coi là trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Ngày 17.7.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, trong đó đã đưa ra những định hướng và mục tiêu mạnh mẽ cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới. Quyết định này sẽ là căn cứ quan trọng cho công tác triển khai, thực hiện tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới.

Đồng thời, từng tập đoàn, tổng công ty 91 cũng đang khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu của mình để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét (tính đến nay đã có 19/21 Tập đoàn, Tổng công ty 91 đã xây dựng và trình Đề án tái cơ cấu). Trong đó, tập trung vào các nội dung như: rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính, chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015, đảm bảo tập trung vào ngành chính và ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành kinh doanh chính; xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh; áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế; thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính... Bên cạnh đó, những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác, cần tập trung vào các dự án đầu tư cấp bách, cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.

Đối với vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn, Chính phủ cũng đang tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về DNNN, trong đó có quy định pháp lý về quản lý giám sát tài chính, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Nghị định về quản lý, giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng. Trong đó, tinh thần chung là sẽ quy định chi tiết về trách nhiệm của các Bộ trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Về cơ bản, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty lớn được thực hiện trên nguyên tắc: Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu quả, kết quả hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện công tác giám sát, đánh giá toàn diện doanh nghiệp; các Bộ tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện giám sát, đánh giá chung về doanh nghiệp một cách độc lập trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trả lời cử tri Tây Ninh về việc đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình văn hoá, thể thao góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng biên giới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tây Ninh là tỉnh biên giới giáp Campuchia, trong những năm gần đây, ngoài đầu tư để nâng cao đời sống kinh tế xã hội của nhân dân vùng biên giới, ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đã tập trung đầu tư một số dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn như: xây dựng đường 782-784 với vốn đầu tư 489 tỷ (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010-2015); quốc lộ 22, tỉnh lộ 786 vốn đầu tư 386 tỷ (vốn hỗ trợ có mục tiêu 2010-2015); xây dựng các bệnh viện tuyến huyện với quy mô 50-100 giường (vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2011 và 2011-2015). Ngoài ra ngân sách trung ương đang tiếp tục hỗ trợ đầu tư để giãn dân 3 xã vùng biên giới giáp Campuchia, các tuyến đường đến trung tâm xã và liên xã bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2010.

Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh Tây Ninh, trong thời gian tới ngoài ngân sách trung ương đầu tư, tỉnh cần huy động các nguồn ngân sách địa phương, huy động vốn của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư để nâng cao mức đầu tư cho chương trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, và các công trình văn hóa, thể thao góp phần nâng cao đời sống vật chất văn hóa cho các xã, huyện vùng biên giới giáp Campuchia. Việc đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn phải đảm bảo theo đúng quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Đ.H.T