Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ Lao ðộng-Thương binh và Xã hội: Đại dịch ảnh hưởng việc làm của hàng chục triệu lao động
Thứ sáu: 00:38 ngày 16/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bằng hình thức trực tuyến, ngày 14.7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tổ chức cuộc họp với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực lao động, người có công.

Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung trong chuyến thăm gia đình chính sách tại Tây Ninh, tháng 2.2020.

Thành thị thiệt hại nặng hơn nông thôn

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, người lao động trong các doanh nghiệp chịu tác động vô cùng to lớn. “Cứ mỗi người thuộc diện F0 thì có 260 người liên quan thuộc diện F1, F2. Ðiều này khiến cho công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp không thể thực hiện được”- ông Ðào Ngọc Dung nói.

Nửa đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Căn cứ tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ðiều đó góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động. Việc hỗ trợ bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Về lao động, việc làm, Bộ LÐ - TB&XH chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động trong các khu công nghiệp, kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 557 ngàn người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn (có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, ở nông thôn là 14,3%).

Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý I.

Ðợt dịch này đã xâm nhập, tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hoá, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, triển khai lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận, cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 369 liệt sĩ, cấp đổi lại 4.039 bằng Tổ quốc ghi công, tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định ADN gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sĩ và 217 mẫu thân nhân liệt sĩ để bàn giao cho các đơn vị giám định thực hiện.

Trong lĩnh vực xã hội, Bộ đã trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội khoá XV đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; trình Chính phủ ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025; tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo; hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai, thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội năm 2021.

Bộ đang khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, cấp số và thẻ an sinh xã hội.

Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, triển khai công điện của Bộ trưởng về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch.

Bộ và cơ quan trực thuộc, các địa phương tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý, tư vấn, hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện ma tuý. Tăng cường truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, nhân rộng mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm, kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

Về cải cách hành chính; tổ chức bộ máy; thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong năm 2020, chỉ số cải cách hành chính của Bộ LÐ-TB&XH đứng thứ 7 trong số 17 bộ, ngành, tăng 2 bậc so với năm 2019. Bộ đã ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) của năm 2021, thực hiện công bố và đăng tải công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC. Bộ chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nắm tình hình và giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành tại các địa phương.

Ngoài những kết quả đạt được, khó khăn, tồn tại cũng còn nhiều, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là người lao động trong các khu vực công nghiệp. Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do chính sách tiếp nhận lao động của một số nước.

Một bộ phận người lao động đăng ký nhận BHXH một lần, tự rời khỏi hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và tình hình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong cả nước. Việc tuyển sinh vào hệ thống trường nghề khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân luồng giáo dục - đào tạo của Chính phủ.

Ðào tạo nghề đã chuyển sang hình thức trực tuyến, song, điều kiện cơ sở vật chất của một số trường (nhất là hệ thống công nghệ thông tin), chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng do không bố trí đủ thời gian học thực hành trực tiếp tại cơ sở đào tạo và thực hành, thực tập tay nghề tại các doanh nghiệp.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 chưa được phê duyệt. Hiện nay vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trẻ bị tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông, bị rơi, ngã ở nhà cao tầng, tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.

Sáu tháng đầu năm, hàng chục triệu người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid bùng phát, trong đó có khoảng nửa triệu người mất việc làm.

Hỗ trợ người lao ðộng - không cần thủ tục hành chính

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Sở LÐ-TB&XH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác hỗ trợ người lao động, công nhân gặp khó khăn được triển khai rất nhanh chóng. Nhóm lao động thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đã nhận được tiền mà không phải làm bất cứ thủ tục hành chính nào.

Tại TP. Ðà Nẵng, khoảng 90 ngàn người, gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đã nhận được tiền hỗ trợ, tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. Ðại diện Ðà Nẵng kiến nghị Bộ LÐ-TB&XH làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất cho vay.

Tại Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh này cho biết, nhiều khu công nghiệp đã hoạt động trở lại, sau khi khống chế được dịch bệnh. Tổng cộng hơn 100 ngàn công nhân trên địa bàn tỉnh đi làm bình thường. Bắc Giang kiến nghị Bộ sớm tham mưu ban hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong lĩnh vực giáo dục, Bắc Giang đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 86 về mức thu, quản lý học phí vì nhiều nội dung trong nghị định này không còn phù hơp thực tế.

Ðại diện tỉnh Ðồng Nai thông tin, khoảng 30.000 lao động tự do ở địa phương này mất việc. Số lao động này đã được hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi người, tổng số tiền “giải ngân” đợt 1 hơn 45 tỷ đồng. Một số khu công nghiệp, nhà máy ở Ðồng Nai vừa xuất hiện số ca F0, do đó, hoạt động sản xuất khó tránh khỏi ảnh hưởng, một số lượng không nhỏ công nhân sẽ phải ngừng việc. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 3.500 người bán vé số trên địa bàn tỉnh này đã nhận được tiền hỗ trợ với số tiền một triệu đồng mỗi người, nguồn tài chính do công ty xổ số đảm trách.

Kết luận hội nghị, ông Ðào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH nhìn nhận, 6 tháng qua, dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội, chính sách người có công được thực hiện tốt.

Chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ người lao động mất việc được triển khai kịp thời. Cơ sở bảo trợ chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, trại cai nghiện ma tuý đang an toàn, dịch bệnh chưa xâm nhập vào những nơi này. Từ nay đến cuối năm, ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, có một số mục tiêu tổng quát cần thực hiện tốt, trong đó đào tạo nghề cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

“Do tình hình dịch bệnh, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Trung ương không tổ chức quy mô lớn, nhưng không vì thế mà các địa phương không quan tâm đến gia đình chính sách; ngược lại, phải thể hiện sự quan tâm hơn” - Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung lưu ý.

Một vấn đề khác, cần hết sức chú ý đến việc chuẩn bị nguồn lực lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng công ăn việc làm, ông Ðào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương khẩn cấp triển khai, đưa gói hỗ trợ đến tận tay người dân.

“Ðây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cả tấm lòng, là đạo đức công vụ. Nhờ anh em báo chí phản ánh sâu sát, chính xác, kịp thời nhiệm vụ này ở các địa phương, bảo đảm khoản hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch” - Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung nói.

Việt Ðông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục