Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hôm nay, 20-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Những nội dung lớn như tuổi nghỉ hưu, thời giờ làm việc bình thường, mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa sẽ được sửa đổi như thế nào là vấn đề mà người lao động quan tâm
Trước khi Quốc hội (QH) biểu quyết, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã có báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) gửi đại biểu (ĐB) QH.
Không tăng giờ làm thêm
Về thời giờ làm việc bình thường (điều 105), UBTVQH cho biết nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; một số ý kiến ĐB đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, đồng thời có ý kiến ĐB đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.
UBTVQH khẳng định ý kiến phát biểu của các vị ĐB là rất xác đáng, việc tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện và nâng cao điều kiện lao động đối với người lao động (NLĐ) là xu hướng tiến bộ của thế giới. Về vấn đề này, UBTVQH đã báo cáo QH ngày 22-10, lúc đó Chính phủ chưa đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với vấn đề này.
Trong khi đó, ý kiến của Chính phủ, người sử dụng lao động, NLĐ còn rất khác nhau, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, để có sự điều chỉnh thời giờ làm việc bình thường cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm tăng trưởng của nền kinh tế nhưng phải bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
"Vì vậy, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này. Chính phủ đã có công văn ngày 6-11 đề nghị "trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của bộ luật hiện hành" và "có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp".
UBTVQH xin tiếp thu và báo cáo QH việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào nghị quyết của kỳ họp: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với NLĐ" tại điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (điều 107), nhiều ý kiến ĐBQH đồng ý với phương án 1 quy định như Bộ Luật Lao động hiện hành nhưng có nâng giới hạn làm thêm giờ tối đa trong tháng từ 30 giờ lên 40 giờ và bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm; một số ý kiến đồng ý với phương án 2 nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm. Từ kết quả xin ý kiến của 406 ĐBQH bày tỏ chính kiến thì có 318 ĐB đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như bộ luật hiện hành.
Đa số người lao động cần thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Tăng tuổi hưu: Cần có lộ trình
Về tuổi nghỉ hưu (khoản 2 điều 169), nhiều ý kiến ĐB tán thành với quy định theo phương án 1 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60; một số ĐB đồng ý với phương án 2 và cho rằng việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau; có ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay; một số ý kiến đề nghị đối với lao động nữ thì tuổi nghỉ hưu chỉ đến 58 tuổi; có ý kiến đề nghị đối với nhóm lao động trực tiếp và một số lao động đặc thù cần xem xét giữ như bộ luật hiện hành...
UBTVQH đã chỉ đạo xin ý kiến ĐBQH, kết quả có 280/371 ĐB đồng ý phương án 1 là: "Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ". UBTVQH đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo bộ luật.
Về nghỉ lễ, Tết (điều 112), nhiều ĐB đề nghị bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm có hưởng nguyên lương cho NLĐ; có ý kiến đề nghị nếu được QH quyết định bổ sung 1 ngày nghỉ thì nên chọn ngày nghỉ liền kề ngày Quốc khánh 2-9; có ý kiến đề nghị chọn ngày Gia đình Việt Nam (28-6 dương lịch). UBTVQH đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 370/402 ĐBQH đồng ý bổ sung một (1) ngày NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương. UBTVQH đã tiếp thu và ghi trong dự thảo bộ luật.
Đồng thời, UBTVQH cũng giải thích rõ hơn: Mặc dù có ý kiến ĐB đề nghị ngày nghỉ hưởng nguyên lương nên chọn ngày Gia đình Việt Nam (28-6), tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng nếu được QH quyết nghị bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm thì nên chọn ngày liền kề với ngày Quốc khánh 2-9. Như vậy, ngày Quốc khánh nước ta, NLĐ sẽ được nghỉ 2 ngày.
Theo UBTVQH, đây là ngày Tết Độc lập, cũng là dịp để NLĐ có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh 2-9, tăng thêm ý nghĩa chính trị, nâng cao niềm tự hào dân tộc về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hài hòa lợi ích các bên
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang QH sáng 19-11, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho biết dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trình QH bấm nút thông qua, đã được UBTVQH tiếp thu đầy đủ mọi ý kiến của ĐB. Việc giữ nguyên giờ làm việc bình thường cũng như không tăng giờ làm thêm tối đa, là quyết định để bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa các bên.
Nguồn NLDO