Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ nào cấp bằng lái: Chờ Quốc hội quyết
Thứ hai: 10:21 ngày 21/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc Bộ Công an đề xuất để bộ này thực hiện việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) thay vì là Bộ GTVT như hiện tại đã gây ra ý kiến trái chiều.

Ngoài tính hợp lý, nhiều người lo ngại sẽ có xáo trộn, phiền toái… khi thay đổi cơ quan phụ trách việc này như đã từng xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác.

Vì còn nhiều ý kiến khác nhau về việc chỉ cần có một Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hoàn chỉnh hay cần có thêm Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB nên Chính phủ phải hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10. Cũng vì có nhiều băn khoăn về việc Bộ GTVT hay Bộ Công an đảm nhận công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) nên Chính phủ phải nghiên cứu thêm…

Có thể thấy gì từ hai thông tin đáng chú ý như thế tại phiên họp ngày 16-9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ủy ban này cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB do Bộ Công an chủ trì soạn thảo?

Nếu muốn được tăng quyền hạn sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an để có thể kéo giảm tai nạn giao thông như giải thích của bộ này, ban soạn thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB cần đưa ra các căn cứ thuyết phục hơn. Ảnh: PLO

Với các bài phân tích đăng ngày 17-8, báo Pháp Luật TP.HCM nghiêng về quan điểm “chỉ cần một Luật GTĐB mới thay thế Luật GTĐB 2008” để đơn giản, hợp lý, tạo thuận tiện cho người dân lẫn lực lượng chức năng trong việc thực thi.

Bởi lẽ dẫu tên gọi có khác và nội dung phải cố gắng làm cho không giống thì hai dự án Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB đều có cùng mục tiêu là tạo ra trật tự, an toàn GTĐB. Khi hạ tầng giao thông và con người (xe cộ) tham gia giao thông là một thể thống nhất cùng góp phần đạt được mục tiêu chung đó thì không nên chia cắt chúng để điều chỉnh bằng hai luật riêng biệt.

Cũng chính vì sự tĩnh, động trong GTĐB đó mà khi tham gia thảo luận về các dự luật trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nhiều lần đề nghị “phải cân nhắc kỹ” việc tách Luật GTĐB thành hai luật như hai bộ GTVT, Công an đã đệ trình.

Rốt cuộc là có một hay hai luật cùng quy định về GTĐB? Chắc chắn đa số đại biểu Quốc hội sẽ phải sáng suốt tính toán việc này cùng với việc phân công bộ phụ trách sát hạch, cấp, đổi, thu hồi GPLX nữa.

Theo Bộ Công an, trong nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra thì có rất nhiều vụ có nguyên nhân liên quan đến những lỏng lẻo trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Cho rằng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ (Quốc hội) chấp thuận cho bộ này thực hiện việc sát hạch, cấp GPLX thay vì là Bộ GTVT như hiện tại.

Người dân không quá quan trọng bộ nào sẽ quản lý việc đào tạo, cấp GPLX mà hầu hết đều bận tâm về những xáo trộn, phiền toái… khi có thay đổi cơ quan phụ trách như đã từng xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: L.THY

Có hai lưu ý để cho ra câu trả lời xác đáng:

1. Dù là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB và dù luật này có quy định về việc sát hạch, cấp GPLX thì Bộ Công an cũng không phải đương nhiên phụ trách việc sát hạch, cấp GPLX.

Việc giao Bộ GTVT tiếp tục đảm đương hay giao Bộ Công an gánh vác công việc sẽ được Chính phủ và luật này (nếu được ban hành) quyết định dựa theo chức năng, nhiệm vụ theo luật định của từng bộ và những thay đổi (nếu có) đều phải có đủ căn cứ pháp lý, thực tiễn để bảo đảm được sự phù hợp, ổn định.

2. Nếu muốn được tăng quyền hạn sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an để có thể kéo giảm tai nạn giao thông như giải thích của bộ này, ban soạn thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB cần đưa ra các căn cứ thuyết phục hơn. Theo đó, ban soạn thảo luật cần tổ chức khảo sát, đánh giá có đính kèm số liệu cho thấy Bộ GTVT đã làm chưa tốt điểm nào và Bộ Công an sẽ có kế hoạch khắc phục như thế nào.

Gửi ý kiến phản hồi đến báo chí, nhiều bạn đọc không quá quan trọng bộ nào sẽ quản lý việc đào tạo, cấp GPLX mà hầu hết đều bận tâm về những xáo trộn, phiền toái… khi có thay đổi cơ quan phụ trách như đã từng xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác.

Vậy nên để mọi người, Quốc hội cùng thấy nếu để Bộ Công an làm thì sẽ có kết quả tốt hơn so với Bộ GTVT, ban soạn thảo luật cần có bản báo cáo về các nội dung nêu trên. Tùy thuộc vào kết quả báo cáo, việc gật, lắc sẽ dễ dàng, thuyết phục hơn.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục