Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, có 94/95 đơn vị đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức.
Chiều 9/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ thông tin về vấn đề bỏ thi thăng hạng viên chức.
Ông Vũ Đăng Minh cho biết, việc thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức (năm 1998). Tuy nhiên, quá trình thi thấy có nhiều khó khăn, dù đã phân cấp nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa ban hành thông tư (chỉ một vài bộ ban hành) nên khó tiến hành.
Ông Vũ Đăng Minh - người phát ngôn Bộ Nội vụ.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ đánh giá việc thi còn hình thức, không phản ánh được thực chất. Số lượng viên chức rất lớn (gần 2 triệu người) nên việc thi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, người thi phải có chứng chỉ chuyên ngành, đây chính là hạn chế, rào cản.
"Quá trình thi rất tốn kém, rất nhiều loại chi phí cho ban tổ chức. Thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại rất tốn kém, chi phí xã hội rất lớn. Nếu chúng ta bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội", ông Minh nói.
Ông Minh cho hay, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về việc bỏ thi thăng hạng viên chức.
"Kết quả hiện nay, có 94/95 các bộ, ngành, địa phương, cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi", người phát ngôn Bộ Nội vụ thông tin.
Theo ông Minh, nếu bỏ thi thăng hạng sẽ khắc phục được những vướng mắc bất cập trên, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ viên chức.
Ông Vũ Đăng Minh cũng cho rằng, hình thức thi sẽ không sát được với thực tiễn, còn xét thăng hạng sẽ đánh giá được "đúng người, đúng việc". Mặt khác, xét thăng hạng sẽ giảm được thủ tục hành chính trong bổ nhiệm viên chức.
Nguồn VTC News