BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Nội vụ: Không có chuyện “cán bộ cơ sở luân chuyển công tác sang đơn vị mới không được tính thâm niên công tác ở đơn vị cũ”

Cập nhật ngày: 25/11/2010 - 01:09

Vấn đề chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) lâu nay vẫn là nỗi băn khoăn của những người làm công tác  ở cơ sở. Gần đây, Nhà nước đã thấy rõ sự thiệt thòi của những người thực hiện các công tác trực tiếp tiếp xúc với người dân nên cũng đã có những chính sách, chế độ dành cho đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã; tuy nhiên so với thực tiễn ở cơ sở thì vẫn còn nhiều bất cập. Mới đây trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, các vị ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức cấp xã đối với Nhà nước. Cụ thể cử tri đề nghị Chính phủ có chính sách giải quyết chế độ cho các đối tượng là cán bộ xã, phường, nghỉ việc theo Nghị định số 09/NĐ-CP mà không được chuyển lương theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21.1.2003 của Chính phủ. Hiện nay tại địa phương còn nhiều đối tượng nghỉ tại thời điểm ban hành Nghị định 09 nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu, chưa đủ thời gian đóng BHXH (mặc dù đã đủ thời gian công tác) nên chưa được giải quyết chế độ. Cử tri kiến nghị nên quy định độ tuổi nghỉ hưu cho cán bộ cấp xã đối với nam là 55 tuổi, nữ 50 tuổi và thời gian đóng BHXH 15 năm là phù hợp hơn. Đồng thời cần tính thời gian cán bộ, công chức xã tham gia quân đội, hoặc làm chủ nhiệm HTX các thời kỳ để tính thời gian công tác cho nhóm đối tượng này.

Trả lời ý kiến trên của cử tri Tây Ninh, qua công văn do Đoàn ĐBQH chuyển đến Báo Tây Ninh, Bộ Nội vụ cho biết, Liên Bộ Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27.5.2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo thông tư trên quy định tại Khoản 3, Điều 8: Cán bộ xã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23.1.1998 của Chính phủ mà chưa hưởng trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần (kể cả các trường hợp đã có quyết định nghỉ chờ giải quyết chế độ nhưng chưa gửi hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội) thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.

CBCC cấp xã đa đoan công việc nhưng rất thiệt thòi về chính sách chế độ.

Về thời gian tham gia công tác, Thông tư quy định: Trường hợp cán bộ, công chức xã có thời gian công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15.12.1993 và không hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8.11.2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29.4.2005 và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27.10.2008 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, các đối tượng là cán bộ xã, phường, thị trấn nghỉ theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP thì sau ngày Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH có hiệu lực sẽ được các địa phương tổ chức hướng dẫn thực hiện.

Đối với Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 của Chính phủ, cử tri Tây Ninh phản ánh là mức lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức cấp xã không đảm bảo cuộc sống; bên cạnh đó Nghị định 92 có một số quy định không hợp lý, chẳng những không tăng lại còn giảm so với các quy định trước đây, như quy định về: số lượng biên chế, chế độ lương, phụ cấp vẫn còn thấp; đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, phó ngành cấp xã, Bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân, cán bộ ấp, khu phố chưa được quan tâm đúng mức; chế độ đối với cán bộ có chức danh do HĐND quy định không quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung; cử tri kiến nghị nên bỏ quy định trần và để HĐND cấp tỉnh tự quy định tuỳ theo cân đối ngân sách địa phương hoặc tăng lên mức hệ số 2,0. Cử tri còn cho rằng quy định chế độ đi học, đào tạo lại của cán bộ cơ sở cũng thấp (15.000 đ/ngày/người), và phản ánh tình trạng cán bộ cơ sở luân chuyển sang công tác ở đơn vị mới không được tính thâm niên công tác tại đơn vị cũ… đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung cho phù hợp.

Trả lời những thắc mắc này, Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) và Luật Cán bộ, công chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009, và Liên bộ đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT  ngày 27.5.2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định trên; trong đó quy định: Số lượng cán bộ, công chức đối với cấp xã loại 3 (loại thấp nhất) không quá 21 người (tăng 4 người so với quy định trước đây chỉ có 17 người); Chế độ tiền lương đối với cán bộ bầu cử và công chức chuyên môn cấp xã nếu có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thì được xếp ngạch và hưởng lương như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên; Ngoài chế độ tiền lương, cán bộ cấp xã còn được hưởng thêm các chế độ phụ cấp: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp theo loại xã, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh và các loại phụ cấp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Về chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cơ sở, cơ bản được thực hiện như chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên được cử đi học.

Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, Luật Cán bộ, công chức giao Chính phủ quy định khung số lượng và khung mức phụ cấp; Chính phủ giao các địa phương quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và hướng dẫn việc khoán phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động để phù hợp với thực tế cán bộ và khả năng ngân sách của địa phương. Việc cử tri đề nghị nâng mức phụ cấp những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố lên 1,0 hệ số mức lương tối thiểu chung sẽ không phù hợp với chế độ tiền lương đối với công chức cấp xã hiện nay (công chức cấp xã chưa có trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đang hưởng lương bằng 1,18 hệ số mức lương tối thiểu chung).

 Việc tính thời gian công tác liên tục để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội căn cứ vào chức vụ, chức danh của cán bộ, công chức cấp xã và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện trên sổ Bảo hiểm xã hội. Bộ Nội vụ còn khẳng định: Từ trước đến nay không hề có “cán bộ cơ sở luân chuyển công tác ở đơn vị mới không được tính thâm niên công tác ở đơn vị cũ”.

Q.H (Lược ghi)