BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh: Về quy định từ chức và chính sách tiền lương

Cập nhật ngày: 14/12/2009 - 09:26

Cử tri Tây Ninh kiến nghị:

- “Đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật cán bộ - công chức, có hướng dẫn thực hiện quy định về từ chức (đã được quy định trong luật) đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

- “Cử tri phản ánh tiền lương tăng không kịp tốc độ tăng giá cả thị trường làm cho đời sống người hưởng lương hưu, cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, nhất là đối tượng hưởng lương hành chính sự nghiệp, cán bộ cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) rất khó khăn, dù Chính phủ đã có chính sách nâng lương, nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng này nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Cử trị đề nghị Chính phủ cần hoạch định chính sách tiền lương mang tính lâu dài, không nên để xảy ra tình trạng lương tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng theo”.

Trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh, tại Công văn số 2817/BNV-CCVC, Bộ Nội vụ cho biết: Để triển khai thực hiện Luật CB – CC năm 2008, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ xây dựng 12 nghị định và 3 đề án quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật CB- CC. Bộ Nội vụ được giao chủ trì, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó có nội dung hướng dẫn thực hiện về việc việc từ chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Theo kế hoạch, các văn bản, đề án trên sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 1.1.2010 (thời điểm Luật CB – CC có hiệu lực thi hành).

Đối với kiến nghị về vấn đề tiền lương, tại Công văn số 2780/BNV-TL, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Về tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cấp xã và người hưởng lương hưu

- Điều 56 Bộ luật Lao động về tiền lương tối thiểu có quy định: khi chỉ số giá cả sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo tiền lương thực tế.

- Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội về điều chỉnh lương hưu quy định: lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế.

Do đó, việc điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công: Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng và trình Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá X phê duyệt Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 – 2012. Theo lộ trình của Đề án này, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung: Từ ngày 1.1.2008, tăng mức lương tối thiểu từ 450.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng; từ ngày 1.5.2009 tăng lên 650.000 đồng/tháng (tại kỳ họp thứ 6, QH khoá XII vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2010 với mức bội chi ngân sách Nhà nước năm tới là 6,2% GDP. Theo đó, mức lương tối thiểu tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng vào tháng 5.2010 – BTNO). Mức lương tối thiểu chung sẽ được xem xét điều chỉnh từng thời kỳ cho phù hợp với quy định tại Điều 56 Bộ luật Lao động; đồng thời Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, cơ quan ở Trung ương nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương hiện hành cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với CBCC ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.1.2010.

Theo Nghị định mới này, về xếp lương đối với cán bộ cấp xã, Nghị định mới tách riêng mức lương đối với cán bộ đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn và cán bộ chưa qua đào tạo.

Cụ thể, cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương chức vụ theo hệ số lương từ 1,75 - 2,35 (bậc 1). Nếu có thời gian hưởng lương bậc 1 là 5 năm, hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật thì được xếp lương lên bậc 2 với hệ số lương từ 2,25 - 2,85 (tùy theo chức vụ đảm nhiệm).

Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính; ngoài ra, còn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương tối thiểu chung từ 0,15 - 0,3 (tùy theo chức vụ)  và được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Theo quy định mới này, mức lương đối với cán bộ xã sẽ cao hơn trước (theo Nghị định cũ, hệ số lương từ 1,7 - 2,0).

Trường hợp cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 90% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm và không phải đóng BHXH, BHYT (trước đây, chỉ được hưởng 40% lương chức danh)...

Đối với công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh đảm nhiệm, thực hiện xếp lương như công chức hành chính và được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung.

Những người hiện đang đảm nhiệm chức danh công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì hưởng lương bằng 1,18 so với mức lương tối thiểu chung (quy định cũ là 1,09).

Nghị định cũng quy định rõ, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

HY UYÊN