BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Tài chính: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 18/12/2023 - 21:48

BTNO - Ngày 18.12, đoàn công tác Bộ Tài Chính có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Kiên Cường- Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Văn Chiến- Phó chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo các chương trình.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện đang triển khai thực hiện 3 CTMTQG, gồm: Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 3 chương trình trên 661,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 207,2 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 454,7 tỷ đồng. Đến ngày 31.10.2023 đã giải ngân 488,7 tỷ đồng, đạt 73,82% kế hoạch. Ước đến cuối năm sẽ giải ngân trên 639,6 tỷ đồng, đạt 96,63% kế hoạch. Trong đó, ước dự kiến giải ngân CTMTQG Nông thôn mới đạt 100% kế hoạch; CTMTQG Giảm nghèo bền vững đạt trên 75% kế hoạch và CTMTQG Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 58% kế hoạch.

Theo UBND tỉnh, việc triển khai Chương trình Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp cải thiện đời sống, phát triển giáo dục, y tế cho người dân tộc thiểu số; xoá bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại buổi làm việc.

Chương trình Giảm nghèo bền vững với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của trung ương, địa phương góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Chương trình cũng hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, giúp tỉnh đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 0,15-0,2%.

Chương trình Nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao mức sống của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 65/71 xã đạt chuẩn, chiếm 91,5%; 25/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 33,8%; 3/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 4,2%.

Ông Vũ Đức Hội- Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Trưởng đoàn công tác của Bộ Tài Chính phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh.

Báo cáo UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn. Trong đó, có vấn đề còn khó khăn, vướng mắc từ các văn bản do các cấp ban hành. Các chương trình hiện nay chủ yếu tập trung đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, giao thông... mà chưa quan tâm đúng mức đến thực hiện các dự án góp phần bảo đảm phúc lợi xã hội, bảo trợ xã hội, phát triển con người và phát triển xã hội bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân cư khu vực nông thôn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Việc dự báo, xây dựng kế hoạch đầu tư thực hiện dự án thuộc CTMTQG của các đơn vị, địa phương còn hạn chế, bất cập; việc phân bổ vốn cho từng chương trình chưa phù hợp thực tế, dẫn đến khả năng không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Hội- Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Trưởng đoàn công tác ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh trong thực hiện các CTMTQG và cho biết, buổi làm việc nhằm lắng nghe về cách triển khai thực hiện các chương trình trên địa bàn tỉnh; những đề xuất, kiến nghị của địa phương cũng như trao đổi, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của địa phương để cùng tháo gỡ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025. 

Ngô Tuyết