Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong phiên thảo luận sáng 2.11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết số nợ 86.000 tỷ đồng của Vinashin vẫn nằm trong các dự án của tập đoàn này chứ không mất đi. Tuy nhiên, có dự án hiệu quả, có dự án không.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. |
Chủ đề Vinashin tiếp tục được nhiều đại biểu đề cập trong ngày thứ 2 Quốc hội thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội. Chưa thực sự đồng tình với giải thích của một số thành viên Chính phủ trong phiên làm việc trước, cho rằng những thiếu sót trong giám sát, kiểm tra Vinashin phần lớn là do cơ chế, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đặt câu hỏi: “Cơ chế là do ai đặt ra? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?”…
Chia sẻ nhức nhối này, đại biểu Hoàng Văn Toàn cho rằng việc khoản nợ trên 86.000 tỷ đồng, tính đến nay vẫn chưa xác định được trách nhiệm thuộc về ai là điều khó chấp nhận. Theo đại biểu của đoàn Vĩnh Phúc, việc Hội đồng quản trị Vinashin phải chịu trách nhiệm là đương nhiên, nhưng không thể không nói đến công tác quản lý, giám sát của các Bộ, cơ quan thanh tra và ngay cả của chính Quốc hội và hệ thống pháp luật.
Trước những thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã thay mặt Chính phủ trình bày về trách nhiệm quản lý, giám sát tài chính đối với Vinashin. Trong bài phát biểu kéo dài hơn 8 phút, ông Ninh đã dành phần lớn thời gian để dẫn chiếu nhiều văn bản được Chính phủ ban hành xung vấn đề Vinashin trong giai đoạn 2007 - 2009.
Về nội dung, hầu hết các văn bản được dẫn chiếu đều cho thấy mối quan ngại sâu sắc của Chính phủ đối với hoạt động của Vinashin. Thủ tướng cũng có chỉ đạo trực tiếp, yêu cầu Vinashin chấn chỉnh hoạt động, rà soát lại danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các chỉ đạo này chưa được phía doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc.
“Khi Vinashin trình Chính phủ ý định mua tàu, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu không được mua, mà phải đóng nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình mua”, Bộ trưởng lấy ví dụ.
Về phía Bộ, kể từ khi Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn năm 2006 đến nay, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra một lần (vào đầu năm 2007) và thực hiện 4 cuộc kiểm tra định kỳ hàng năm.
Qua những lần thanh, kiểm tra này, đã phát hiện thấy Vinashin thành lập quá nhiều công ty con, đầu tư dàn trải, cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu là dựa vào vốn vay. Căn cứ vào kết quả này, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng ban hành các quyết định chấn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vì những lý do khách quan cũng như chủ quan từ phía Vinashin mà các chỉ đạo của Chính phủ không được thực hiện triệt để, dẫn tới những đổ vỡ sau này.
Câu chuyện “trên bảo mà dưới không nghe” nói trên, theo Bộ trưởng Ninh, để lại nhiều bài học, mà trước hết là công tác phân công, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp phải phù hợp với năng lực, trách nhiệm của người quản lý.
Một thiếu sót khác của Bộ Tài chính cũng được Bộ trưởng thừa nhận là vai trò giám sát của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập. “Thực tế, nhiều sai phạm của Vinashin chỉ được phát hiện qua thanh - kiểm tra. Mà nhiều khi đến lúc thanh - kiểm tra thì sự việc đã xảy ra rồi”, Bộ trưởng thừa nhận.
Riêng về vấn đề nợ của Vinashin, nhiều đại biểu cho rằng khoản vay 86.000 tỷ của doanh nghiệp này hiện đã mất. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, căn cứ vào số liệu báo cáo của Hội đồng quản trị Tập đoàn, tổng tài sản hiện có trên sổ sách của Vinashin là 103.774 tỷ.
“Như vậy là toàn bộ số tiền vay của Vinashin vẫn nằm trong các dự án. Tất nhiên là có dự án có hiệu quả, có dự án không. Hiện Chính phủ đang yêu cầu kiểm toán để đánh giá lại”, Bộ trưởng cho biết.
(Theo VNE)