Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Như tin đã đưa, trong hai ngày 21 và sáng 22.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm lĩnh vực: nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch; nhóm lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.
Đường lên cửa khẩu Vạc Sa.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 21, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về việc vận chuyển mía cây qua cửa khẩu phụ. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời bổ sung câu chất vấn của đại biểu Trần Hữu Hậu và Hoàng Thị Thanh Thuý (Tây Ninh).
Trả lời bổ sung câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý về đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, trong bất kỳ tình huống nào, Việt Nam cũng đảm bảo an ninh lương thực, dùng không hết, chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu gạo. “Đến năm 2030, 100 năm thành lập Đảng và 2045, 100 năm thành lập nước, chúng ta phải nâng cao dinh dưỡng cho người dân chứ không chỉ tiếp cận vấn đề an ninh lương thực như quan niệm lâu nay”.
Liên quan nội dung chất vấn của đại biểu Trần Hữu Hậu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói ông không phản đối đề xuất của đại biểu Trần Hữu Hậu về việc cho chở mía qua cửa khẩu phụ.
Vẫn trong lĩnh vực nông nghiệp, trả lời câu hỏi vì sao nông sản Việt Nam khó tiếp cận thị trường cao cấp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hiện nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu vào thị trường dễ tính (thực ra thị trường này cũng dần khó tính). Nguyên nhân sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa ứng dụng nhiều về công nghệ trong sản xuất, nông dân nước ta hiện chỉ “có gì bán nấy”.
Sau nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch, chiều 21.8, đại biểu Quốc hội chất vấn nhóm lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.
Đại biểu đoàn Bắc Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về sắp xếp đơn vị hành chính đang có nhiều vấn đề nảy sinh. Cũng thuộc lĩnh vực nội vụ, đại biểu tỉnh Lai Châu chất vấn: việc sắp xếp đơn vị hành chính có chậm trễ so với kế hoạch không, vì sao? Đại biểu tỉnh Bắc Giang nêu, chính sách tiền lương đối với bộ phận nhân viên trong trường học “chưa tương xứng với công việc của họ”.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp (tổng cộng 18.000 người) nay “cơ bản đã ổn”, số còn “tồn đọng” không nhiều, năm 2025 cơ bản giải quyết xong.
Trà lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, có những vụ án phải trả hồ sơ điều tra lại nhằm tránh oan sai nhưng không bỏ lọt tội phạm, và đây là hoạt động bình thường.
Trả lời câu chất vấn của đại biểu việc có hay không lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói, ông không khẳng định có hay không lợi ích nhóm nhưng thấy “có biểu hiện đó”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu tỉnh Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, do lịch sử để lại, các quy định, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy có những bất cập nhưng chưa thể sửa ngay được. Bộ Công an, trước mắt tập trung tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy.
Đại biểu tỉnh Hà Giang nêu, chế độ dành cho hội thẩm nhân dân trong một phiên toà chỉ 90 ngàn đồng, quy định này ra đời đến nay đã 12 năm, đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét, sửa đổi. Trả lời sau đó, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, quy định nêu trên của Chính phủ, không phải của toà. Tuy nhiên toà đã kiến nghị và Quốc hội sẽ sửa quy định nêu trên vào tháng 12 năm nay.
Cũng trong phiên chất vấn chiều 21.8, đại biểu đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, vì sao việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực du lịch, văn hoá còn thấp. Đại biểu Ninh Bình hỏi làm thế nào để phát triển du lịch xanh. Đại biểu tỉnh Hậu Giang quan tâm đến giải thưởng dành cho vận động viên thành tích cao.
Đại biểu Quảng Trị chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, làm gì để nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu TP Cần Thơ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rằng kịch bản nào để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao.
Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã có đề án số hoá trong lĩnh vực di sản, thư viện. Không chỉ trong đầu tư công, việc số hoá trong lĩnh vực này có sự tham gia của các đơn vị khác nhau.
Về du lịch xanh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Việt Nam phát triển theo xu hướng bền vững, cũng có nghĩa phát triển du lịch xanh, không chạy theo mùa vụ, chỉ tập trung sản phẩm du lịch nổi trội. Nước ta cũng không phát triển du lịch bằng mọi giá.
Đối với chế độ khen thưởng vận động viên thành tích cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, chế độ hiện nay chưa tương xứng, phần lớn ban hành từ năm 2018 – 2019, hiện nay có những nội dung, mức thưởng không còn phù hợp. “Một buổi biểu diễn, chỉ tính riêng chế độ của nhà nước, nghệ sĩ nhân dân chỉ được trả hai trăm ngàn đồng, nghệ sĩ ưu tú tám mươi ngàn đồng” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Trả lời chất vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu, an toàn vệ sinh thực phẩm thực chất là một chuỗi ngành hàng, qua nhiều công đoạn, “từ nông trại tới bàn ăn”.
Về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, đây là vấn đề lớn, hiện đồng bằng sông Cửu Long được chia làm ba vùng gồm vùng nước ngọt, vùng nước lợ và vùng nước mặn. Vấn đề là, tận dụng lợi thế, ưu điểm riêng của ba vùng nước đó sao cho hiệu quả. Nhưng, câu chuyện này không thể thay đổi, thích ứng trong một sớm một chiều.
Việt Đông