BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng làm việc tại Tây Ninh: Chú trọng công nghiệp chế biến sau mía đường, sau bột mì

Cập nhật ngày: 05/04/2013 - 05:08
HTML clipboard

Các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có ý kiến trả lời, giải thích, trao đổi với lãnh đạo tỉnh về những kiến nghị, đề xuất của Tây Ninh…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại buổi làm việc

(BTN) - Trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn đầu vào sáng ngày 4.4 về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của Tây Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng.

Tín hiỆu lẠc quan trong 3 tháng đẦu năm

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013. Theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm nay tăng khoảng 6,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 11.274 tỷ đồng, tăng 17,12%. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ, ước đạt 11.156 tỷ đồng, tăng 5,18% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2013 tăng 2,12% so với tháng 12.2012. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 373,1 triệu USD, tăng gần 15% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 3 tháng qua đạt khoảng 221,7 triệu USD.

Về thương mại biên giới, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu tuyến biên giới giáp Campuchia năm 2012 đạt trên 1tỷ USD, giảm 5,77% so với năm 2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 505,7 triệu USD, giảm 21,45%; nhập khẩu đạt 591,9 triệu USD, giảm 2,68% so với năm trước. Trong 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất – nhập khẩu qua lại với Campuchia đạt khoảng 327 triệu USD, tăng gần 130% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt 130,6 triệu USD, tăng 42,46% so cùng kỳ…

KiẾn nghỊ BỘ Công Thương hỖ trỢ đẦu tư, phát triỂn kinh tẾ - hẠ tẦng

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương nhiều vấn đề. Cụ thể hiện nay, hoạt động phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn Tây Ninh còn nhiều hạn chế do phần lớn các cụm này chưa xây dựng được hạ tầng do không có nhà đầu tư. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương hằng năm hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia để đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại các xã biên giới thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, cụ thể là 2 cụm công nghiệp Ninh Điền và Hoà Hội.

Về điện, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là nhu cầu tiêu thụ điện tại các khu công nghiệp lớn như Phước Đông – Bời Lời, BourBon – An Hoà, Chà Là và một số cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động trong thời gian gần đây tăng cao và cấp bách. Tỉnh kiến nghị Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm biến áp 220kV Tây Ninh và đường dây 220kV Trảng Bàng – Tây Ninh vì dự án này chậm triển khai khá lâu trong thời gian qua.

Về phát triển thương mại, theo Luật Phân cấp ngân sách, việc đầu tư xây dựng chợ theo mô hình “chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” do UBND cấp huyện tự cân đối. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách các huyện – Thị xã rất hạn chế nên không cân đối được để đầu tư xây dựng chợ. Tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh kinh phí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại hằng năm của Bộ…

Cần chú trọng công nghiệp chế biến sau mía đường, bột mì

Về phát triển thương mại biên giới, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ về đầu tư hạ tầng giao thông ở các xã biên giới; mở rộng giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia; phát triển khu kinh tế cửa khẩu và vận chuyển hàng hoá. Theo thống kê, hiện tại, bình quân mỗi năm Tây Ninh thu thuế xuất – nhập khẩu hàng hoá trên các cửa khẩu nộp ngân sách Trung ương gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạ tầng tại các khu vực biên giới, cửa khẩu chưa được đầu tư; đường giao thông xuống cấp, hư hỏng, chưa có kho tàng, bến bãi… làm hạn chế đến hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu qua Campuchia.

Tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí hằng năm bằng 50% nguồn thu thuế xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu cho các tỉnh giáp biên giới Campuchia để đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại – dịch vụ tại cửa khẩu…; nâng cấp tỉnh lộ từ Trảng Bàng qua đường 793 đến cửa khẩu Chàng Riệc và đến chợ thí điểm Việt Nam – Campuchia (chợ Đa). Đây là điều kiện quan trọng để các tỉnh - thành khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đưa hàng hoá xuất khẩu đi các nước nhanh chóng, thuận lợi.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng, hiện nay, tại cặp cửa khẩu Mộc Bài – Bà Vét chưa thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng”, đồng thời chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu này chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương tác động Tổng cục Hải quan Việt Nam làm việc với phía Campuchia sớm triển khai thực hiện kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” trong khuôn khổ Hiệp định GMS giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông, nhằm mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế về lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh còn kiến nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ ban hành chính sách quy định ưu đãi về thuế đối với khách tham quan, du lịch khu phi thuế quan ở Mộc Bài được thực hiện đến hết năm 2018 với giá trị 2 triệu đồng/người/ngày…

Các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có ý kiến trả lời, giải thích, trao đổi với lãnh đạo tỉnh về những kiến nghị, đề xuất của Tây Ninh. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng hứa sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ quan tâm giải quyết những kiến nghị của tỉnh và yêu cầu Tây Ninh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển Công nghiệp, thương mại – dịch vụ trên địa bàn như: tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu; chú trọng công nghiệp chế biến sau mía đường, sau bột mì; phát triển thương mại – dịch vụ gắn với du lịch; tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

BẢO TÂM