Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ông đánh giá cao về những nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của lãnh đạo tỉnh đối với công tác đầu tư hạ tầng giao thông cũng như công tác bảo đảm trật tự ATGT.
(BTN)- Ngày 28.8, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về công tác đầu tư hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) ở Tây Ninh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hệ thống giao thông Tây Ninh có tổng chiều dài 4.757,5km, trong đó 116,2km quốc lộ, 716km đường tỉnh, 1.065km đường huyện, 2.860km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn Tây Ninh còn có tuyến đường Hồ Chí Minh đang được Bộ GTVT đầu tư xây dựng (đường cấp 3), đoạn qua tỉnh dài 22km.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc |
Thực trạng đáng quan tâm hiện nay là chỉ có một số ít tuyến đường tỉnh đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Nhiều tuyến đường còn lại là đường cấp 4, do được láng nhựa đã lâu, hiện đã xuống cấp nặng, quá tải, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hoá, giao thông và ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông. Trong khi đó, đường cấp huyện quản lý và đường giao thông nông thôn (GTNT) chiếm tỷ lệ lớn nhưng chỉ có một số ít được đầu tư đạt yêu cầu, còn lại hầu hết là đường đất. Riêng đường GTNT chủ yếu là đường đất, chưa đạt tiêu chuẩn quy định.
Trên địa bàn tỉnh còn có 617km sông, kênh, rạch nhưng chỉ có 2 tuyến sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn được khai thác vận tải đường thuỷ với tổng chiều dài 145km. Đoạn sông Sài Gòn chảy qua tỉnh dài 40km, sông Vàm Cỏ Đông dài 105km, trong đó Bộ GTVT quản lý 52km đoạn từ cảng Bến Kéo về hạ lưu (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng).
Về vận tải, hiện tỉnh đang xây dựng quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Về ATGT, tỉnh luôn tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trong 7 tháng đầu năm nay, tại Tây Ninh xảy ra 341 vụ TNGT, làm chết 106 người, làm bị thương 436 người. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 487 vụ TNGT, giảm 34 người chết, giảm 655 người bị thương.
Trong giai đoạn 2013 – 2015, Tây Ninh tập trung triển khai các công trình, dự án trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá IX về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 – 2015.
Để tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng xem xét giải quyết một số nội dung quan trọng như: Bố trí vốn chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng đoạn còn lại dự án đường Hồ Chí Minh (đã cấp vốn và chi trả 115 tỷ đồng, còn hơn 70,93 tỷ đồng), đồng thời tiếp tục thi công hoàn thành dự án để việc giao thông, vận tải giữa Tây Ninh với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thuận lợi. Tỉnh kiến nghị Bộ triển khai thi công dự án thảm gia cường thêm lớp bê tông nhựa quốc lộ 22B; xem xét tách hạng mục mở rộng vòng xoay tại ngã ba đường Xuyên Á – quốc lộ 22B, ưu tiên đầu tư trước bằng nguồn vốn của Bộ hoặc giao địa phương bố trí vốn thực hiện trước, Bộ hoàn trả sau bởi đây là nút giao thông quan trọng, cần thi công gấp. Tỉnh kiến nghị Bộ sớm đầu tư dự án quốc lộ 14C kéo dài, trong đó ưu tiên đầu tư trước đoạn trùng với đường 794 từ cầu Sài Gòn (giáp Bình Phước) đến Kà Tum (dài 35km) để phát triển giao thông vận tải khu vực phía Bắc Tây Ninh.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT sớm triển khai cắm mốc tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh – Tân Thới Hiệp – Trảng Bàng và quy hoạch chi tiết đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tuyến đường sắt nhẹ TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài, TP.Hồ Chí Minh – Xa Mát để địa phương làm cơ sở xây dựng các quy hoạch. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư và khai thác các luồng tuyến vận tải, tỉnh kiến nghị Bộ xem xét giao cho tỉnh trực tiếp quản lý hệ thống sông trước đây do Bộ quản lý là đoạn sông Sài Gòn đoạn từ hạ lưu hồ Dầu Tiếng đến ranh Củ Chi (dài 40km) và đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ Bến Kéo đến Phước Chỉ. Ngoài ra, theo kế hoạch, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh trong 3 năm tới là rất lớn trong khi ngân sách tỉnh hạn chế. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ vốn cho Tây Ninh đầu tư các dự án quan trọng.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ông đánh giá cao về những nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của lãnh đạo tỉnh đối với công tác đầu tư hạ tầng giao thông cũng như công tác bảo đảm trật tự ATGT. Bộ trưởng Thăng cho biết ông rất mừng trước kết quả kéo giảm TNGT của tỉnh trong 7 tháng đầu năm qua và đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa. Về các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo các vụ, cục, cơ quan thuộc bộ báo cáo cụ thể và đề xuất bằng văn bản để Bộ trưởng cho ý kiến trả lời tỉnh trong thời gian tới. Bộ trưởng Thăng cũng đề nghị Tây Ninh tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn trong những năm tới, đồng thời đa dạng hoá, xã hội hoá nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ.
BẢO TÂM