Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận trách nhiệm về khủng hoảng thừa lợn
Thứ ba: 13:26 ngày 13/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lý giải chuyện dư thừa lợn thời gian qua, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh, trong khi sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Còn đại biểu Quốc hội dự đoán sắp tới lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì trồng quá nhiều.

 bo truong nong nghiep nhan trach nhiem ve khung hoang thua lon

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường "mở màn" phiên chất vấn sáng nay.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị làm rõ căn cứ đưa ra quy hoạch ngành chăn nuôi khi dự kiến đến năm 2016 thị trường mới có 27 triệu con lợn nhưng thực tế vừa qua đã xảy ra khủng hoảng dư thừa, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) khẳng định người sản xuất đã lỗ đến 50% chi phí nhưng không rõ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các giải pháp gì trong ngắn hạn và sẽ có giải pháp căn cơ nào để giải quyết triệt để vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng trong 8 giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp thì chủ yếu chỉ có “đẩy mạnh”, “rà soát”, “tăng cường”,...

"Đây có phải là giải pháp? Liệu có thể coi câu chữ đó là giải pháp? Liệu người nông dân ngoài việc phụ thuộc vào "ông trời thứ nhất" là thời tiết, sẽ không bị phụ thuộc vào "ông trời" thứ hai là giá cá lên xuống đỏng đảnh?"- bà Thúy đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thực trạng năng suất giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng và công tác tạm nhập, tái xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp tại các cửa khẩu. Việc giải quyết cơ chế xin cho đối với doanh nghiệp hoạt động công nghiệp cao sẽ được giải quyết như thế nào để nguồn vốn ưu đãi được tận dụng một cách hiệu quả.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, mục tiêu nòng cốt của ngành nông nghiệp trong giai đoạn này là đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Gói 100.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng là để hỗ trợ ngành.

"Sau khi có chủ trương này, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai tinh thần này. Bộ đã hình thành các bộ tiêu chí đánh giá để hướng vào những phân khúc sản xuất mà có thị trường tiềm năng. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 8 ngân hàng thương mại với 120.000 tỉ đồng được đưa vào gói này. Đã giải ngân được trên 30.000 tỉ đồng cho các dự án, cho các khu vực sản xuất...

Tuy nhiên, tài sản hình thành trên đất chưa được hoàn thiện tư cách pháp lý để trở thành tài sản thế chấp, Bộ Nông nghiệp đang phối hợp cùng các bộ khác xử lý vấn đề này"- ông Cường cho hay.

bo truong nong nghiep nhan trach nhiem ve khung hoang thua lon

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) tranh luận về vai trò của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương trong việc kiểm soát, điều tiết sự chênh lệch giá thịt lợn khi xuất chuồng và khi bán ra thị trường.

Về khủng hoảng thừa lợn thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Hiện nay không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vài năm qua. Trong đó riêng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng...

“Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ”-ông Cường thông tin.

Trong khi đó cơ cấu về thực phẩm trong bữa ăn ở Việt Nam đã thay đổi. Trước đây bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay có nhiều thực phẩm thay thế như thịt bò, trứng, thịt gà,... Theo ông Cường, thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung.

Nguyên nhân thứ hai khiến xảy ra tình trạng dư thừa như thời gian qua, theo ông Cường là sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến nhưng chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm; trong khi đó đa số là nuôi rồi thịt và bán chủ yếu ở chợ

“Khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất. Hiện nay thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc. Các thị trường khác chưa khai thác được”- ông Cường nhìn nhận.

Xin tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đánh giá Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chưa thuyết phục trong việc “giải cứu lợn”. Khi chúng ta cho rằng người sản xuất tự phát thì chưa thấy vai trò quản lý Nhà nước như dự báo, định hướng, điều chỉnh, cảnh báo... cho nhà sản xuất như thế nào.

Vị đại biểu đoàn Bình Dương dự đoán sắp tới lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì nơi ông ứng cử nông dân đang trồng rất nhiều.

Trong khi đó, đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) đánh giá việc phát triển chăn nuôi lợn thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên khi nông dân gia tăng quy mô chăn nuôi thì nhà quản lý chưa hề có cảnh báo và đã để xảy ra việc thừa lợn.

Bao nhiêu luận án tiến sĩ nông nghiệp được ứng dụng?

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp về đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng không rõ Bộ trưởng có nghĩ tới đất, nước ngầm bị ô nhiễm. Nếu việc này không được đánh giá đúng và xử lý thì có thể giải quyết tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm không? Việt Nam có đủ trình độ xử lý ô nhiễm đất nông nghiệp không?

bo truong nong nghiep nhan trach nhiem ve khung hoang thua lon

Đại biểu Nguyễn Chiến.

“Trong 4.000 luận án tiến sĩ được lưu trữ trong Thư viện Quốc gia thì luận án tiến sĩ liên quan tới ngành nông nghiệp được chấm điểm xuất sắc có bao nhiêu cái được đưa ra ứng dụng thực tiễn?”- ông Chiến đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng đảm bảo xử lý môi trường để đảm bảo có sản phẩm nông nghiệp sạch là yêu cầu đặt ra cần kíp. Chúng ta có diện tích đất canh tác tốt, nhưng thuỷ vực bị ô nhiễm thì cũng khó có sản phẩm sạch.

“Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc, từ đất và nước”- ông Cường nói.

Chia sẻ với với thực tế hầu hết các con sông nội đô Thủ đô Hà Nội hiện đang bị ô nhiễm, ông Cường cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP Hà Nội thì mới có giải pháp căn cơ, chứ làm cắt khúc từng bộ sẽ không hiệu quả.

Cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chia sẻ với tình trạng "được mùa, rớt giá" mặt hàng nông sản, khiến người dân lao đao vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, thực tế trên xuất phát từ nguyên nhân chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường. Điều này dẫn tới sản xuất chưa đạt quy hoạch nhưng sản phẩm vẫn thừa. "Cần giải pháp tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp", ông nói.

Phó thủ tướng nêu một số giải pháp cụ thể, như hình thành sản phẩm đặc trưng gắn với thương hiệu; rà soát chiến lược quy hoạch với nhu cầu, diễn biến thị trường, trong đó coi trọng thị trường trong nước... Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết 5 nhà, đó là Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp - ngân hàng và nhà khoa học.

"Doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại sẽ là trung tâm, động lực phát triển trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Người dân sẽ đóng vai trò sản xuất, hưởng lợi từ khâu phân phối này", ông nhấn mạnh.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn tại hội trường với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Nguồn Dantri

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục