Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Công Thương giải trình các vấn đề điện, bauxite
Thứ sáu: 08:23 ngày 12/06/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với phong cách điềm đạm và am hiểu lĩnh vực mình phụ trách, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải đáp cụ thể, chi tiết nhiều vấn đề mà các đại biểu Quốc hội chất vấn “đến cùng” như các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, cách tính giá điện giờ cao điểm...

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn nhiều vấn đề "nóng"

Đúng như dự đoán của nhiều người, vấn đề bauxite được đặt ra đầu tiên tại phiên chất vấn chiều 11.6 đối với Bộ trưởng Công Thương, thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất.

Các dự án bauxite là độc lập

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn, quy mô tổng mức đầu tư của dự án từ 20.000 tỷ đồng trở lên phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nhưng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có quy mô tổng mức đầu tư cao hơn 20.000 tỷ đồng, tại sao Bộ Công Thương không đề nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp, trong quy hoạch phát triển bauxite được Chính phủ phê duyệt nêu rõ nhiều dự án, từ khai thác, chế biến bauxite, sản xuất alumina thành nhôm nguyên liệu, dự án đường sắt từ Tây Nguyên ra biển, dự án cảng Kê Gà - Bình Thuận. Đây là những dự án độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. Dự án bauxite - alumina ở Tân Rai, Đắk Nông có thể vận hành độc lập, dự án này không phụ thuộc vào dự án kia.

Do đó, có dự án có tổng mức đầu tư vượt 20.000 tỷ đồng, nhưng cũng có những dự án không đến con số đó.

Dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ có vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, do đó không thuộc công trình quan trọng phải trình Quốc hội.

Còn các dự án sau như Đắk Nông 2, Đắk Nông 3, Đắk Nông 4 sau này, khi công suất chế biến từ 1,5 - 2 triệu tấn alumina/năm thì lúc đó vốn đầu tư có khả năng đạt hoặc vượt con số 20.000 tỷ đồng và chắc chắn sẽ phải trình Quốc hội.

Chưa hài lòng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng tiếp tục chất vấn, khai thác bauxite, sản xuất alumine bao gồm 3 giai đoạn với 12 dự án và tất cả dự án này gắn bó với nhau. Nó chỉ độc lập khi Bộ Công Thương tách nhỏ để mức vốn đầu tư dưới 20.000 tỷ đồng.

Trả lời ngắn gọn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích Bộ Công Thương không có thẩm quyền để chia nhỏ các dự án. Các dự án nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp Bauxite đã được Chính phủ phê duyệt và quy hoạch này cũng nêu rõ từng dự án.

Alumina không phải nguyên liệu thô

Tiếp tục vấn đề bauxite, đại biểu Phạm Thị Loan (TP. Hà Nội) cho rằng, alumine (sản phẩm sau khi chế biến bauxite) mới là nguyên liệu khoáng sản dạng thô. “Xin hỏi Bộ trưởng việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dạng thô như vậy có đi ngược lại chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô hay không?”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp, với hàm lượng ôxit nhôm Al2O3 là 98,2%, alumina không thể gọi là quặng thô được. Bởi quặng bauxite có hàm lượng Al2O3 khoảng 40%, sau giai đoạn tuyển thì hàm lượng Al2O3 đạt khoảng 46 - 48% và chúng ta phải xây dựng nhà máy sản xuất alumina với suất đầu tư khoảng 1.000 USD/tấn thì mới có được alumine với hàm lượng Al2O3 là 98,2%.

“Chúng tôi nghĩ rằng trong các tài liệu của quốc tế, không tài liệu nào nói rằng alumina là nguyên liệu thô”, Bộ trưởng cho biết.

Hơn nữa, chủ trương phát triển công nghiệp bauxite nhôm bao gồm 3 giai đoạn: khai thác bauxit, sản xuất alumina và luyện nhôm. Bauxite mới là nguyên liệu thô, alumina là trung gian còn nhôm là sản phẩm cuối cùng. Bộ trưởng khẳng định, alumina không phải là quặng thô.

Giờ cao điểm thay đổi do cơ cấu tiêu thụ điện

Vấn đề tính giá điện giờ cao điểm cũng được các đại biểu quan tâm, chất vấn. Theo đại biểu Đoàn Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), việc quy định giá bán điện giờ cao điểm và điều chỉnh giờ cao điểm buổi sáng được điều chỉnh tăng 2 giờ, từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30, buổi chiều tối tăng 3 giờ từ 17 - 22 giờ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hướng xử lý.

Bộ trưởng giải đáp, trước đây, khi sản xuất công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, tỷ lệ điện sinh hoạt chiếm trên 50% điện tiêu dùng cả nước thì điện giờ cao điểm rơi vào 4 tiếng buổi tối từ khoảng 18 – 22 giờ.

Nhưng trong những năm gần đây kinh tế phát triển, một loạt hộ tiêu thụ điện rất lớn trong các khu công nghiệp như thép, phân đạm, xi măng xuất hiện thì biểu đồ tiêu thụ điện dịch chuyển dần, không chỉ rơi vào 4 tiếng buổi tối mà còn rơi vào khoảng 2 tiếng buổi sáng từ 9 giờ 30 – 11 giờ 30. Thậm chí, qua thống kê của ngành điện, trong giờ cao điểm buổi sáng, tiêu thụ điện còn cao hơn giờ cao điểm buổi tối, có lúc đến 900 MW điện.

Bộ trưởng cho rằng, việc áp dụng giờ cao điểm trong tính giá điện là do cơ cấu tiêu thụ điện.

Bên cạnh đó, việc quy định giá điện giờ cao điểm để bù cho giờ thấp điểm. Quan trọng hơn là để khống chế và khuyến khích các doanh nghiệp phân bổ giờ sản xuất hợp lý hơn, tránh giờ cao điểm để không gây căng thẳng phụ tải đồng thời khuyến khích thêm ý thức tiết kiệm điện.

Mặc dù vậy, qua phản ánh của cử tri, của đại biểu Quốc hội và kiểm tra thực tế của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, quy định giá điện giờ cao điểm ít nhiều gây ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất 1 ca.

“Chúng tôi sẽ xem xét thống kê về trả tiền điện trong 3 tháng, việc lắp đặt công tơ 3 giá, công tơ giờ cao điểm, thấp điểm để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Nếu thấy bất hợp lý, sẽ có điều chỉnh theo tinh thần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.

Hôm nay 12.6, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục "đăng đàn", trả lời chất vấn về nhiều vấn đề "nóng". Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

(Theo chinhphu.vn)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục