Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu:
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không có chuyện tranh chức, giữ ghế!
Thứ năm: 02:54 ngày 30/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Không có chuyện tăng tuổi nghỉ hưu là người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta đang chuyển gánh nặng cho thế hệ sau.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho nam lên 62 tuổi và cho nữ lên 60 tuổi đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trả lời trực diện câu hỏi: “Tăng tuổi nghỉ hưu liệu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ không”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì việc đầu tiên là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế và thứ hai là ổn định và đảm bảo công ăn việc làm cho giới trẻ. Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã tính toán phương án cân đối được vừa đảm bảo công việc hiện tại cho giới trẻ và tính được cả cho người già.

“Thống kê cho thấy, hiện 46% người lao động sau tuổi nghỉ hưu vẫn đang làm việc tiếp. Bên cạnh đó, lực lượng lao động của Việt Nam lúc này không phải dồi dào nữa. Nếu về nông thôn, các bạn sẽ thấy hiện ở nhiều vùng nông thôn chỉ còn người già và phụ nữ mà không còn thanh niên trẻ. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là Việt Nam bây giờ không phải ở đỉnh cao của dân số vàng mà đang chuyển sang giai đoạn già hóa dân số” - Bộ trưởng dẫn chứng.

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phản bác quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu là người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. “Đây chính là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta đang chuyển gánh nặng cho thế hệ sau”, ông nói.

Nhiều lần khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh với tỷ lệ bước vào độ tuổi lao động ngày càng giảm, ông nhấn mạnh Việt Nam cũng là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho biết, đối với quỹ bình ổn bảo hiểm xã hội, hiện thời gian đóng bảo hiểm thấp nhưng được hưởng cao.

Nếu một người đóng bảo hiểm xã hội 28 năm thì chỉ đủ cho chính mình hưởng trong 10 năm, còn lại 9,5 năm là lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Vì vậy, để đảm bảo cân bằng của quỹ thì tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể các phương án giải quyết nhiều Luật khác như: điều chỉnh bảo hiểm, công việc, thị trường lao động… chứ không phải chỉ nhằm vào Bộ Luật lao động và điều chỉnh theo lộ trình chậm, đến năm 2028. Nếu phương án 1 như Chính phủ trình thì đàn ông mới nghỉ hưu ở tuổi 62, đến 2035 thì nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng nghỉ trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. Người lao động suy giảm sức khỏe, trong môi trường độc hại và người lao động nặng nhọc có quyền được nghỉ hưu sớm hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Về việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đưa ra 2 phương án trình Quốc hội xem xét.

Phương án 1: Quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi;

Phương án 2: Quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Nguồn viettime

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục