Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ trưởng làm Đại biểu Quốc hội: Đóng "hai vai" sẽ rất khó xử thế
Thứ sáu: 08:39 ngày 01/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Không chỉ “soán chỗ” của đại biểu chuyên trách mà thành viên Chính phủ khi làm đại biểu phải đóng “hai vai” rất khó xử thế.

Một quan điểm liên quan đến việc sửa Luật tổ chức Quốc hội đang thu hút sự quan tâm của dư luận đó là phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thành viên Chính phủ, kể cả Chủ tịch tỉnh không nên làm đại biểu Quốc hội mà dành vị trí đó cho đại biểu chuyên trách.

Đại biểu phải đóng “hai vai” rất khó xử thế

Ông Lê Như Tiến phát biểu trên diễn đàn Quốc hội khóa XIII.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến, người từng làm đại biểu chuyên trách tới 2 nhiệm kỳ, cho rằng, quan điểm đó là phù hợp bởi khi đưa cán bộ khối hành pháp vào Quốc hội không chỉ “soán chỗ” của đại biểu chuyên trách mà khi đó đại biểu sẽ phải đóng “hai vai” rất khó xử thế.

Trên diễn đàn Quốc hội, anh sẽ là đại biểu Quốc hay cán bộ khối hành pháp, phải chịu sự chất vấn của đại biểu Quốc hội, như vậy liệu anh có dám chất vấn lại chính mình hay chất vấn lại Chính phủ, Thủ tướng. Chắc chắn là không khi anh là cấp dưới của Chính phủ, của Thủ tướng. Trong hoạt động giám sát cũng thế. Trong công tác xây dựng pháp luật, liệu anh có không nghĩ tới cơ chế chính sách có lợi cho ngành của mình. 

Ông Tiến bày tỏ như trên và cho rằng, ý kiến của Bộ trường Trần Hồng Hà là đúng. Các cơ quan hành pháp không nên tham gia vào cơ quan lập pháp, dẫn đến chồng chéo chức năng, rất khó tách bạch đâu là hành pháp, lập pháp. Theo ông Tiến, đã hoạt động bên khối hành pháp, đã làm Bộ trưởng, nếu sang Quốc hội nên thôi vị trí Bộ trưởng. Kể cả nếu anh đã làm tư pháp thì cũng không nên tham gia vào bên lập pháp nữa. Rành rọt như thế để dễ giám sát và kiểm soát quyền lực.

Từng là thành viên Ban soạn thảo nhiều dự án luật, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng lại cho rằng, Quốc hội là một thể chế chính trị, phải có chính khách ở đó tranh luận với nhau để ban hành chính sách. Bộ trưởng cũng là chính khách, như thế Bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội. Thứ trưởng trở xuống mới không nhất thiết là đại biểu, vì anh không phải chính khách, chỉ là công chức. Quốc hội có chức năng quyết chính sách, còn Bộ trưởng là người tham gia dẫn dắt chính sách.

Và Chủ tịch tỉnh có cần làm đại biểu Quốc hội không? Nếu quyền lực phân chia cho địa phương như ở các nước thì Chủ tịch tỉnh không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Một xã hội quyền lực đều tập trung ở trên cả mà Chủ tịch không ngồi ở Quốc hội nữa như vậy sẽ thiếu mất đại diện địa phương để cùng với đại diện các cấp, ngành “đóng dấu” để các quy định, yêu cầu của Đảng trở thành pháp luật. Theo chuẩn mô hình Xô Viết, không thể thiếu đại diện của địa phương ở Quốc hội. “Tuy nhiên như vậy thì phải họp ít thôi, chứ Chủ tịch tỉnh ngồi 3 tháng ở Quốc hội thì gay go”, ông Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

“Tiến vi bộ, thoái vi ban, tiến thoái lưỡng nan về Quốc hội”

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều ý kiến cũng đề xuất tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 35% lên 40 thậm chí 50%. Điều đó chứng tỏ đại biểu chuyên trách có vai trò rất quan trọng nhưng Quốc hội lại đang rất thiếu. Ngược với thực tế đó, chia sẻ trên nghị trường, có ý kiến đại biểu cho thấy có những cán bộ được quy hoạch làm đại biểu chuyên trách thì lại “sợ”, lại ngại. 

“Lý giải” về tình trạng khó thu hút cán bộ về công tác tại các cơ quan của Quốc hội, hoạt động chuyên trách, ông Lê Như Tiến, cho rằng, lý do đầu tiên là áp lực công việc, áp lực rất nặng nhưng chế độ, chính sách lại rất hạn chế. Thực tế thời ông làm, đã có câu cửa miệng “tiến vi bộ, thoái vi ban, tiến thoái lưỡng nan về Quốc hội”. 

“Hình như người ta chỉ muốn hướng về các cơ quan hành pháp, bởi làm ở những cơ quan chỉ đạo điều hành cụ thể sẽ thuận lợi về nhiều mặt, điều kiện thăng tiến, điều kiện kinh tế. Ở Quốc hội, cơ quan chỉ chuyên về xây dựng pháp luật, điều kiện thăng tiến, hay kinh tế rất hạn chế. Ngoài lương cơ bản hầu như không có gì, ngoại trừ mỗi lần đóng góp ý kiến xây dựng luật được trả thù lao 50.000 đồng/buổi, bây giờ hình như có tăng lên một chút.

Trong khi ở các nước, lương và phụ cấp trách nhiệm đối với nghị sĩ rất cao. Vị trí của đại biểu Quốc hội hay nghị sĩ tương đương với vị trí của Bộ trưởng, Thứ trưởng bên khối cơ quan hành pháp; đi kèm với lương bổng còn có các chế độ đãi ngộ về phương tiện, điều kiện làm việc”, nguyên đại biểu Quốc hội bày tỏ. 

Bên cạnh rào cản là lương và chế độ đãi ngộ, theo ông Tiến, lý do khiến công chức, quan chức ngại về Quốc hội bởi áp lực rất lớn, nào là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước… đại biểu chuyên trách mà không có năng lực, không am hiểu pháp luật thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Qua thảo luận của đại biểu Quốc hội, có thể thấy thực tế các Uỷ ban của Quốc hội đang rất thiếu đại biểu hoạt động chuyên trách. Nhưng nếu mời những người công tác ở các tổ chức xã hội, không trong biên chế, có kinh nghiệm và kiến thức pháp luật làm đại biểu chuyên trách thì lại vướng cơ chế. 

Đồng tình với những ý kiến này, ông Lê Như Tiến cho biết, trên diễn đàn Quốc hội khóa XIII ông đã từng nêu vấn đề tại sao không giới thiệu cán bộ là những người đã hoàn thành nhiệm vụ ở các cơ quan hành pháp hay cán bộ quản lý ở các bộ, ngành, các tỉnh, thành để làm đại biểu chuyên trách. Thực tế quá trình rèn luyện trở thành cán bộ quản lý cho thấy họ có đủ điều kiện thuận lợi để làm nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.

Để thu hút những cán bộ như thế nên nới rộng độ tuổi chứ không quy định cứng như cán bộ công chức. Theo ông Tiến, hầu như tất cả các nước trên thế giới cũng đều không quy định tuổi của nghị sĩ Quốc hội. Những người có uy tín, có năng lực được cử tri tín nhiệm thì đều được bầu và phần lớn nghị sĩ ở các nước tuổi cũng khá cao.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, đại biểu chuyên trách hay không chuyên trách phụ thuộc vào mô hình thể chế. Nếu chuyển sang mô hình nhà nước phân chia quyền lực, nhà nước hiện đại như các nước, lúc ấy, một Quốc hội chuyên trách, chuyên nghiệp là cần thiết, thậm chí tất cả các đại biểu đều phải hoạt động chuyên nghiệp, chuyên trách.

Nguồn VOV

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục