Trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII, ĐBQH Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh đã có cuộc tiếp xúc với Ban Chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong Tây Ninh.
Trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII, ĐBQH Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh đã có cuộc tiếp xúc với Ban Chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Tây Ninh. Đồng thời Đoàn ĐBQH cũng đã có các buổi gặp gỡ cựu TNXP Tây Ninh đi viếng lăng Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội. Qua các cuộc gặp, Hội Cựu TNXP Tây Ninh có một số ý kiến đề nghị với Đoàn ĐBQH kiến nghị với Nhà nước về chính sách, chế độ đối với cựu TNXP. Tại kỳ họp, ĐBQH Nguyễn Thành Tâm đã có văn bản kiến nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng của cựu TNXP bị thương tật trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc và vấn đề cho cựu TNXP được hưởng chế độ trợ cấp một lần không được bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân (bìa trái) và Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Nên đưa hài cốt liệt sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Tân Biên (Đồi 82). |
Nhận được kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Thành Tâm, ngày 15.11.2010, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã có văn bản số 3997/LĐTBXH-NCC trả lời những vấn đề đại biểu Tâm nêu ra như sau:
Về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, Bộ trưởng Kim Ngân cho biết, từ ngày 6.7.1999 Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Đoàn TNCS HCM đã có Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM hướng dẫn căn cứ để cấp giấy chứng nhận bị thương, là những giấy tờ cũ liên quan đến trường hợp bị thương như: phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án, giấy ra viện, phiếu sức khoẻ, lý lịch cũ… Nếu không còn những giấy tờ cũ nói trên phải có hai người cùng tiểu đội, phân đội, đại đội lúc bị thương chứng nhận về trường hợp bị thương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều đối tượng khai man hưởng chế độ. Nhiều người làm chứng sai sự thật và làm chứng cho hàng trăm trường hợp. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Đoàn TNCS HCM tiếp tục ban hành Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 6.7.1999 để thay thế Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 6.7.1999.
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết tồn đọng trong chiến tranh, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH ngày 3.3.2009 giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh đã lập trước ngày Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26.6.2006 của Chính phủ có hiệu lực thi hành nhưng nay chưa giải quyết; đồng thời Bộ đã có công văn số 4234/LĐTBXH-NCC ngày 9.11.2009 gửi Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM về việc giải quyết hồ sơ Thanh niên xung phong tồn đọng theo Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH, nhưng đến nay Bộ chưa nhận được hồ sơ của Thanh niên xung phong do các cơ quan lập và chuyển tới để thẩm định.
Về chế độ bảo hiểm y tế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8.11.2005 của Thủ tướng Chính phủ có quy định Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30.4.1975 trở về trước đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Đến ngày 18.12.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg quy định đối tượng là Thanh niên xung phong tập trung trong kháng chiến chống Pháp được Nhà nước mua bảo hiểm y tế như đối với Thanh niên xung phong kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8.11.2005.
Như vậy, đối với Thanh niên xung phong hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14.4.1999 của Thủ tướng Chính phủ và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì Sở LĐ-TB&XH lập danh sách mua bảo hiểm y tế theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg nêu trên. Nếu phát hiện truờng hợp nào đã được trợ cấp Thanh niên xung phong theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg mà chưa được hưởng bảo hiểm y tế, đề nghị Đại biểu hướng dẫn đến liên hệ với Sở LĐ-TB&XH nơi cư trú để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Đoàn ĐBQH gặp gỡ cựu TNXP |
Sau khi ĐBQH Nguyễn Thành Tâm chuyển văn bản trả lời của Bộ LĐ-TB&XH về cho BCH Hội Cựu TNXP, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh, người trực tiếp lo thủ tục chính sách, chế độ cho các đối tượng cựu TNXP và được ông Bình cho biết: Đúng như Bộ trưởng Kim Ngân đã trả lời, tại Thông tư liên bộ số 16 việc giải quyết chính sách đối với cựu TNXP vừa có lý, vừa có tình, song cũng có phần nghiêng về “tình nghĩa” nên quả thật cũng có người lợi dụng để xác nhận không đúng sự thật, hoặc xác nhận cho quá nhiều người, không xác định được tính chính xác. Nhưng đến khi Bộ và Trung ương Đoàn ban hành Thông tư liên tịch số 17 thì hoàn toàn “cứng nhắc về lý”, tức là đòi hỏi phải có đầy đủ giấy tờ trong quá trình điều trị, dưỡng thương mới được cứu xét hồ sơ. Cách làm này đảm bảo tính chính xác nhưng lại thiếu tính hợp lý, bởi lẽ trong điều kiện khắc nghiệt của thời chiến tranh, làm sao người TNXP bị thương có được, hoặc giữ được giấy tờ nhập viện, chuyển viện từ thuở còn công tác cách đây hơn 40 năm (?!). Tuy nhiên, Ban liên lạc, rồi đến BCH Hội Cựu TNXP cũng đã cố gắng lo được hồ sơ cho một số trường hợp tồn đọng là cựu TNXP bị thương để được hưởng chế độ như thương binh. Và Hội đã nộp cho Sở LĐ-TB&XH. Thế nhưng, trong 4 hồ sơ tồn đọng đã gửi thì chỉ có 1 trường hợp được giải quyết, còn 3 trường hợp thì không được giải quyết, và Sở đã trả lời rằng: “Do Bộ trả về” (?!).
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết thêm, trên cơ sở trả lời của Bộ trưởng Kim Ngân, BCH Hội Cựu TNXP sẽ làm việc với Sở LĐ-TB&XH Tây Ninh về các trường hợp tồn đọng kể trên, đồng thời lập danh sách cựu TNXP hưởng chế độ 1 lần để đề nghị Sở lập hồ sơ mua bảo hiểm cho cựu TNXP hiện chưa được bảo hiểm y tế.
N.T.H