Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ sau phải có trách nhiệm với Chính phủ trước
Thứ hai: 13:57 ngày 06/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ với VietNamNet nhân dịp năm mới về những vui buồn, trăn trở trong chặng đường 4 năm giúp việc cho Thủ tướng.

"Nói là 'dấu ấn' thì rất khó nhưng chúng tôi đã giúp tích cực cho Thủ tướng trong vấn đề cải cách", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mở đầu cuộc trò chuyện.

Một trong những việc nổi bật ông đã làm được trong thời gian qua là tham mưu cho Thủ tướng rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. 

Với vai trò là Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng các cộng sự hoạt động không ngừng nghỉ để đôn đốc, kiểm tra, phối hợp, điều phối, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ ngành, địa phương...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Nếu chúng ta chỉ đặt vấn đề khó và nhạy cảm thì chắc chắn không làm được. Ảnh: Phạm Hải

"Tôi muốn nhấn mạnh tới việc tạo sự đồng thuận của các bộ ngành, địa phương, chứ một mình VPCP, một mình tôi không thể làm được", người phát ngôn của Chính phủ nói.

400 cuộc điện thoại, tin nhắn về vụ việc cà phê 'Xin chào'

Tổ công tác của Thủ tướng thành lập và hoạt động được hơn 3 năm. Với vai trò là Tổ trưởng, Bộ trưởng có cảm thấy hài lòng với những gì tổ công tác đã làm? Còn nhiệm vụ nào bản thân ông cảm thấy khó và nhạy cảm chưa thể làm được?

Thật sự lúc đầu nhận nhiệm vụ Thủ tướng giao, chúng tôi đã rất lo lắng, trăn trở là không biết làm thế nào, làm từ đâu.

Tôi mừng là mình làm đến đâu cũng đều nhận được sự ủng hộ cao từ các cơ quan báo chí. Qua đó, dư luận xã hội, người dân, DN thấy những việc được Thủ tướng giao, Tổ công tác có làm được hay không và làm như thế nào...

Ngoài ra, hoạt động của Tổ công tác cũng tạo được sức lan toả tốt. Giờ đây, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh đều có tổ công tác của mình. Nhiệm vụ quá hạn năm 2019 đã giảm được khoảng 23% so với năm 2016, chỉ còn xấp xỉ 2%, đây là một thành công rất lớn.

Còn những cái khó, nhạy cảm thì vô cùng khó, vô cùng nhạy cảm. Nếu chúng ta chỉ đặt vấn đề khó và nhạy cảm thì chắc chắn không làm được.

Là người phát ngôn của Chính phủ, ông có bao giờ gặp phải sự cố truyền thông không? Theo ông, làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người phát ngôn của Chính phủ dễ hay khó hơn so với nhiệm vụ trước đây là Bí thư tỉnh?

Ngày 10/4/2016, một ngày sau khi được QH phê chuẩn, tôi đã có dịp tiếp cận với cơ quan báo chí.

Lúc đó tôi nói rằng khi đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và người phát ngôn của Chính phủ, tôi rất lo. Tôi cũng dùng hình ảnh “ngòi ra biển” để thấy nhiệm vụ mới, với tôi, là một sức ép lớn.

Từ sức ép đó, tôi cho rằng trước hết mình phải mẫu mực, gương mẫu. Mình là người phát ngôn của Chính phủ, của Thủ tướng; còn VPCP là cơ quan hành chính cấp cao nhất ở TƯ thì từ cán bộ, công chức của VPCP đều phải gương mẫu, chứ không riêng gì Bộ trưởng.

Thứ nữa là mình phải chân thành, cởi mở, công tâm và khách quan, như thế chắc chắn cơ quan báo chí sẽ rất chia sẻ để cùng phối hợp. Tôi lấy ví dụ câu chuyện về quán cà phê “Xin chào”, tôi nhận được không dưới 400 cuộc điện thoại, tin nhắn.

Hay trường hợp nữ nhân viên Vietnam Airlines ở sân bay Nội Bài bị đánh, báo chí hỏi tôi trong cuộc họp báo là tại sao những việc nhỏ như vậy Thủ tướng cũng phải quan tâm? Tôi cho rằng không có việc gì nhỏ, nếu như trường hợp đó là mẹ mình, người thân hay chính bản thân mình thì không thể nói là nhỏ được.

Khi đảm nhiệm vai trò là người phát ngôn Chính phủ, chúng tôi phải chuyển tải những thông điệp của Thủ tướng một cách trung thực, khách quan và công tâm. Khi tiếp xúc của báo chí, chúng tôi rất cởi mở, rõ ràng và trách nhiệm với những phát ngôn của mình.

Còn nói có sự cố hay không, tất nhiên không thể tránh khỏi.

Tránh để kẻ xấu lợi dụng, bôi nhọ thanh danh cán bộ

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố. Điều đáng chú ý là hầu hết các vụ việc sai phạm đều liên quan đến công tác quản lý, điều hành ở khóa trước. Vậy Chính phủ đã rút ra được bài học gì sau những việc xảy ra vừa qua?

TƯ khóa 11, rồi 12 có hai nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, Đảng ban hành nhiều quy định, qua đó thúc đẩy công tác phát hiện, xử lý một số vụ vụ việc, vụ án liên quan đến vi phạm trong vấn đề quản lý tài sản công, tham nhũng, lãng phí…

Tôi cho rằng Chính phủ nào cũng vậy thôi, Chính phủ sau phải có trách nhiệm với Chính phủ trước. Trong tất cả các nhiệm kỳ và ngay trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng luôn luôn đặt vấn đề các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh, thành bao giờ cũng phải nêu cao trách nhiệm đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng.

Còn với mọi vi phạm phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Năm 2020 sẽ diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng, thường những dịp này hay nảy sinh nhiều khiếu kiện, tố cáo cũng như xuất hiện nhiều thông tin “tôn người này”, “hạ người kia”. Là người phát ngôn của Chính phủ, ông sẽ làm gì để “gạn đục khơi trong” trong việc tiếp nhận cũng như xử lý những thông tin liên quan đến công tác cán bộ trong thời gian này?

Chúng tôi giải quyết đơn thư theo trình tự của luật Khiếu nại, tố cáo, chuyển về cho bộ, ngành, địa phương trực tiếp giải quyết và báo cáo với Thủ tướng.

Nếu có thông tin liên quan đến cán bộ thuộc diện Thủ tướng điều hành, quản lý, như bộ trưởng, thứ trưởng thì chúng tôi, hoặc các cơ quan chức năng khác khi được giao nhiệm vụ, đều phải thẩm tra rõ ràng, minh bạch, tránh việc oan sai, tránh việc có khi một cán bộ tích cực, làm tốt nhưng vì va chạm, đụng chạm đến quyền, lợi ích nhóm lại bị tố cáo.

Quan trọng nhất khi tiếp nhận xử lý là phải đủ cơ sở, lý lẽ để chứng minh, bảo vệ, minh oan cho cán bộ, tránh để kẻ xấu lợi dụng, bôi nhọ thanh danh cán bộ của chúng ta. Còn nếu tố cáo ấy đúng thì đây cũng là dịp để chúng ta sàng lọc cán bộ.

Trước đại hội hay có tâm lý “thế thủ”, không dám làm, không dám quyết ở các cơ quan quản lý nhà nước. Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý tình trạng này?

Chính vì những băn khoăn, tâm tư này mà VPCP đã chủ động tham mưu với Thủ tướng xây dựng các nghị quyết triển khai nhiệm vụ năm 2020 cô đọng, ngắn gọn hơn.

Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có trọng tâm, tập trung vào các vấn đề thật sự cần thiết, cấp bách, cần sự theo dõi, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; chú trọng hiệu lực, hiệu quả thực thi gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Tinh thần của Chính phủ là không lơ là trong năm cuối nhiệm kỳ, khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động, từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương cần được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp cả nước.

Nguồn Vietnamnet

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục