BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ trưởng NN&PTNT: Không xóa sổ Trạm nghiên cứu Môncađa để làm sân golf

Cập nhật ngày: 12/06/2009 - 08:23

Chất vấn Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát cuối giờ sáng và đầu buổi chiều 11.6, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan trực tiếp đến vấn đề rất nóng là đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể để phát triển khu công nghiệp, sân golf, đe dọa an ninh lương thực. 

Đã kiến nghị Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng bức xúc, việc làm khu công nghiệp, khu chế xuất đã chiếm hết đất bờ xôi ruộng mật, thậm chí, còn định xoá bỏ cả Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môncada thuộc Trung tâm Giống gia súc lớn TƯ để làm sân golf? Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cũng lên tiếng báo động về tình trạng này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trấn an: "Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng Quy hoạch diện tích đất lúa gắn với an ninh lương thực hướng đến năm 2020-2030 để từ đó, có cơ sở thực hiện chủ trương dồn đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ".

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ trả lời vì sao đất nông nghiệp bị thu hẹp

Đối với việc tại sao đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần, ông Phát nói vấn đề này để Bộ Tài nguyên - Môi trường trả lời.

Còn các địa phương đã thu hồi đất nông nghiệp mà để hoang hoá, Bộ chỉ chịu trách nhiệm liên đới vì đóng vai trò quản lý việc sử dụng ruộng đất trong lĩnh vực nông nghiệp mà thôi.

Đối với Trung tâm Môncada sản xuất tinh đông lạnh cho đàn bò, được Chính phủ Cuba giúp xây dựng, ông Phát khẳng định Bộ NN&PTNT "đã kiến nghị Hà Nội xem xét duy trì trung tâm này".

Không thể đóng cửa với nông sản nhập khẩu

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hoà) hỏi vì sao là nước nông nghiệp nhưng hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khá nhiều các mặt hàng bông, ngô, đỗ tương hay muối?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam đã là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã hội nhập thực sự vào kinh tế thế giới. Ông nhấn mạnh, khi đó, ta sẽ phải tập trung vào phát huy các sản phẩm lợi thế. 

Cũng có sản phẩm nước ta không có lợi thế thì cố gắng áp dụng kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh tăng sản lượng, chẳng hạn như ngô. Tương tự như vậy với muối, Việt Nam có bờ biển dài hàng nghìn km, nhưng vẫn sản xuất theo phương pháp cổ truyền... Nếu cuối năm nay dự án muối công nghiệp Quán Thẻ đi vào sản xuất, ta sẽ tự túc được muối trong nước.

Song, ông Phát cho rằng, không vì thế mà đóng cửa tất cả đối với sản phẩm nhập khẩu như bông, đậu tương, ngô...

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trả lời thêm, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: "Đúng là khó mà thuyết phục được khi bản thân các mặt hàng nông sản của ta cũng gặp khó khi tiêu thụ trong nước, vậy mà còn nhập khẩu lớn".

Lý giải điều này trước các đại biểu và cử tri cả nước, ông Hoàng lưu ý cần phân biệt 2 nội dung chính: Chúng ta không thể sản xuất tất cả như các nguyên liệu, mà bông là câu chuyện điển hình.

Hiện sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 10% bông xơ cho sản xuất vải, 90% vẫn nhập khẩu. Bộ đã chỉ đạo ngành và Tập đoàn Dệt may từng bước khắc phục điểm yếu này. Các sản phẩm khác chúng ta đã cố gắng nhưng khó có thể tự túc được, nhưng theo ông Hoàng, nếu có thế mạnh, cần tập trung đầu tư tăng năng lực cạnh tranh.

40.000 cán bộ nông nghiệp

Đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh), chất vấn, hoạt động nông nghiệp diễn ra chủ yếu ở cấp xã. "Trong chương trình đào tạo 1 triệu nông dân với 36 nghề, ở xã ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính hỗ trợ nông dân kỹ năng, kinh nghiệm về nghề này?. Liệu có cần thiết phải có một chức danh cán bộ chuyên trách để hướng dẫn cho nông dân không?", ông Việt đề xuất.

Về điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, hệ thống chỉ đạo cho nông nghiệp hiện khá đồ sộ ở TƯ, tỉnh song về đến huyện thì ít dần nhưng cũng còn có cán bộ khuyến nông, thú y... nhưng về đến xã là không có, chỉ có duy nhất một người thống kê về cơ sở hạ tầng nông thôn.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị mỗi xã có 1 cán bộ khuyến nông, thú y, kiểm lâm... và có văn bản đề nghị hình hành tổ chức không chính thức là ban nông nghiệp, do một phó chủ tịch xã làm trưởng ban. Nếu có những cán bộ chuyên trách về nông nghiệp ở xã thì rất tốt.

Đại biểu Phương Hữu Việt đứng lên hỏi thêm, cần có chức danh cụ thể cho cán bộ để nông dân biết, không nên để vị này kiêm nhiệm hay lãnh đạo chung chung. Bộ trưởng Phát nói luôn, trong chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân, sẽ đào tạo 40.000 cán bộ giúp dân phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cũng tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận trách nhiệm về chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khuyết điểm của Bộ, theo ông, là "chậm đề xuất biện pháp xử lý hành chính vi phạm, chậm đề xuất tăng cường nhân lực để thực hiện, thiếu kiểm tra, đôn đốc quyết liệt".

(Theo Vietnamnet)