BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ trưởng Nội vụ: 'Chạy chức chỉ giảm chứ khó chấm dứt'

Cập nhật ngày: 18/11/2009 - 05:27

Phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn chiều 18.11, khá nóng bóng khi đại biểu Lê Văn Cuông mở màn với câu hỏi: "Cách đây 2 năm, tôi từng chất vấn nạn chạy chức, chạy quyền, nhưng thấy tình trạng không giảm mà còn tăng. Nhiều người nói đầu tư cho chạy chức là siêu lợi nhuận. Bộ trưởng đánh giá thế nào, trách nhiệm ra sao và giải pháp gì ngăn chặn?".

Đại biểu Lê Văn Cuông: "Căn bệnh di căn, Bộ trưởng chỉ cho liều thuốc cảm cúm".

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định đại bộ phận lãnh đạo được bổ nhiệm đúng. "Tuy nhiên quá trình đề bạt, dư luận nêu có tình trạng chạy chức chạy quyền. Quan điểm của Bộ là phải làm tốt quy trình bộ nhiệm của Đảng. Đây là biện pháp xuyên suốt và phải được tiến hành động bộ từ cấp trên xuống cấp dưới", ông Tuấn nói và cho rằng trách nhiệm của Bộ là tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đưa quy chế của Đảng, nhà nước xuống để thực hiện.

"Giải trình của bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung cần hỏi. Tôi hỏi có hay không, tình trạng thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Đặc biệt để khắc phục vấn nạn này, giữ niềm tin của nhân dân, Bộ đã tham mưu thế nào với Chính phủ để ngăn chặn? Nhưng Bộ trưởng nói qua loa. Căn bệnh di căn, Bộ trưởng chỉ cho liều thuốc cảm cúm", ông Lê Văn Cuông lên tiếng.

Cả hội trường ồ lên cười ví cách ví von của ông Cuông. Bộ trưởng Tuấn cũng tủm tỉm.

"Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đại biểu nêu", Bộ trưởng Tuấn xoa dịu. Ông cho biết, nhận định về công tác cán bộ, Ban chấp hành trung ương Đảng đã khẳng định tình trạng chạy chức, chạy quyền, tiêu cực có xu hướng tăng. Bộ Nội vụ tán thành nhận xét đó.

Để công tác cán bộ thực sự đạt kết quả, ông Tuấn cho rằng phải thực hiện đúng quy trình từ quy hoạch, chăm lo đào tạo, thử thách, đề bạt khách quan và thể hiện được sự dân chủ, lắng nghe ý kiến cơ sở. Hiện tại đề bạt những cán bộ ở vị trí cao phải lấy ý kiến tổ dân phố. "Nếu làm tốt thì nạn chạy chức chạy quyền sẽ giảm. Chứ làm thế nào dứt hẳn thì rất khó", Bộ trưởng phân trần.

Chưa hài lòng, đại biểu Lê Văn Cuông lần thứ ba lên tiếng: "Đúng là khó thật, nhưng chả lẽ lại bó tay? Còn nhiều sáng kiến của nhân dân, nhưng tại sao chưa được tiếp thu? Ví dụ có nhiều ứng cử viên cho một vị trí, mỗi ứng viên phải có chương trình hành động. Làm sao tránh tình trạng một người quyết định nhân sự dẫn đến quyết định tù mù, không dân chủ, thiếu công khai minh bạch. Đây là nguyên nhân của vấn nạn chạy chức chạy quyền".

Chia sẻ với bức xúc của ông Cuông, đại biểu Nguyễn Hữu Phước đặt vấn đề: "Trong rất nhiều văn bản của nhà nước đều nói cần khắc phục tình trạng chạy chức chạy quyền. Điều đó chứng tỏ nó đã có trên thực tế. Bộ trưởng nói khó, vậy khó chỗ nào, xin cho biết ý kiến?".

"Tôi và đại biểu Cuông đã trao đổi, khó ở chỗ cơ quan tổ chức không biết việc người ta chạy chọt tiếp xúc, trao đổi. Việc này phải phát huy dân chủ tập thể, phải tiến hành từng bước, từ quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, lắng nghe ý kiến cơ sở. Tổng hợp những cái đó tôi cho rằng nói khó là đúng", Bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: "Khó chấm dứt nạn chạy chức, chạy quyền".

"Hiện tượng đi đêm ai cũng biết, chẳng ai lại đi báo cáo với Bộ trưởng. Nhưng nguyên nhân của nó là gì, vì sao tồn tại khá lâu mà không có giải pháp ngăn chặn bằng những thể chế pháp lý cụ thể. Hàng hóa khác ta có cơ chế kiểm soát, vì sao trong công tác tổ chức cán bộ ta lại không? Gốc vấn đề là từ đâu?", đại biểu Phước dồn dập hỏi.

Bộ trưởng Tuấn kiên nhẫn giải thích nguyên nhân có thể có cấp, có ngành thực hiện không đúng quy định của Đảng, nhà nước, còn kẽ hở cho người khác "chạy". Chế tài xử lý đã có, nhưng không phát hiện ra người chạy chức chạy quyền.

"Tôi chia sẻ với đại biểu, ở chỗ này chỗ khác có nơi làm đúng quy trình bổ nhiệm, nhưng chỉ là hình thức, không thực sự dân chủ, không lắng nghe ý kiến cơ sở. Giải pháp trước sau tôi vẫn nói là phải thực hiện đúng quy định 67-68 của Đảng. Nếu phát huy tốt vai trò của tập thể thì sẽ khắc phục được tình trạng tranh thủ chạy chọt", ông nói.

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trịnh Thị Nga hỏi thẳng: "Chạy chức, chạy quyền, nguyên nhân có phải là một bộ phận cán bộ trong tổ chức bộ máy tiêu cực? Có phải xử lý của ta chưa nghiêm?". Không trả lời vào câu hỏi thứ nhất, Bộ trưởng Tuấn cho hay đã có chế tài về vấn đề này. Quan điểm của Bộ là chỉ rõ địa chỉ nơi sai phạm và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề được đại biểu quan tâm là công tác thi đua khen thưởng. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đặt vấn đề: "Ở ta đã có chuyện khen thưởng, trao danh hiệu anh hùng lao động cho cả người có sai phạm, thậm chí bị xử lý hình sự. Bộ có giải pháp khắc phục thế nào trong thời gian tới?".

"Đây là một thực tế. Hội đồng khen thưởng thi đua trung ương đã cân nhắc và đổi mới việc này. Trước đây khi tiến hành các bước gửi phiếu ý kiến lấy thành viên hội đồng, có người nắm được, người không. Bây giờ xét danh hiệu cao phải họp, có thể 90% không biết, nhưng có người biết thì phải nói. Khi bỏ phiếu suy tôn phải đạt tỷ lệ 90%".

Sau ồn ào của vụ Vedan, doanh nghiệp đầu độc sông Thị Vải làm hàng nghìn dân khốn đốn, nhưng vẫn được trao giải thưởng cho sản phẩm, đại biểu Lê Văn Hưng đặt câu hỏi: "Hiện tượng xin cho trong việc trao giải thưởng có thật không, đã xử lý bao vụ việc, thu hồi bao nhiêu giải thưởng, huân huy chương. Giải pháp khắc phục của bộ trưởng là gì?".

"Thực tế là có, ngay vừa rồi việc thưởng cho Vedan", ông Tuấn thừa nhận và cho biết từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã chủ trì sửa Luật thi đua khen thưởng, nhưng còn một số vấn đề nên Quốc hội chưa bổ sung vào diện sửa. Trong khi chờ có luật, Bộ đã soạn thảo và trình Chính phủ quy chế xét trao giải thưởng với hai loại. Giải quốc gia phải qua thẩm định của Bộ Nội vụ, sau đó trình Thủ tướng. Giải quy mô cấp bộ thì bộ tổ chức. Cơ quan quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng sẽ giám sát việc này. Chỉ giải thưởng quốc gia mới được mời lãnh đạo Đảng, nhà nước đến dự.

"Để tránh tình trạng xin cho, mua giải thưởng, dự thảo quy chế đã quy định đơn vị có trong danh sách xét giải thưởng thì không được huy động đóng góp", ông Tuấn nói.

"Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi cụ thể về số giải thu hồi?", đại biểu Lê Văn Hưng lên tiếng, nhưng đành thất vọng với câu trả lời: "Số xử lý thu hồi bao nhiều tôi xin trả lời sau. Tôi chưa đủ điều kiện nắm hết".

Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: "Bộ trưởng đã rất cố gắng, nhưng trả lời còn chung chung, chưa đi sâu vào gốc vấn đề, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp thế nào".

(Theo Vietnamnet)