Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Tư pháp: Hướng dẫn tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng pháp luật
Thứ sáu: 21:27 ngày 05/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Sở Tư pháp chủ trì và phối hợp Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2023

Trên cơ sở thực tiễn triển khai nhiệm vụ công tác Tư pháp, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều kiến nghị liên quan xây dựng pháp luật; trong đó UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế, cán bộ làm công tác xây dựng văn bản tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; biên soạn và cung cấp tài liệu kịp thời để địa phương có cơ sở hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế.

Về nội dung này, Bộ Tư pháp cho biết, hằng năm, Bộ tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật cho các Bộ, ngành, địa phương…

Trong các hội nghị, đối tượng tập huấn được mở rộng hơn, không chỉ chú trọng vào các tổ chức pháp chế, người làm công tác xây dựng pháp luật, mà còn có cả các đối tượng công chức, viên chức khác của các Bộ, ngành, địa phương. Các hội nghị, lớp tập huấn nghiệp vụ pháp chế có sự tương tác, trao đổi giữa giảng viên và học viên về những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trên thực tế.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn hoá tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế tại Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, hằng năm, Bộ Tư pháp (Trường Đại học Luật Hà Nội) đều tổ chức tuyển sinh cử nhân Luật văn bằng 2 dành cho đối tượng làm công tác pháp chế. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục duy trì và thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và gắn với yêu cầu, nhiệm vụ công tác pháp chế.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Từ đó, có hướng dẫn về tình hình pháp chế tại các Sở, ban, ngành theo quy định tại Nghị định mới ban hành.

Trả lời nội dung này, Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, ngày 30.12.2022, Bộ có Tờ trình số 69/TTr-BTP trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể như bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức pháp chế theo hướng chỉ quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của tổ chức pháp chế đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, đồng thời bổ sung 1 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, dự thảo Nghị định tiếp tục kế thừa quy định về tổ chức bộ máy pháp chế, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh doanh nghiệp nhà nước.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập. Về ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp và chế độ hỗ trợ dành cho pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp, dự thảo đã bổ sung quy định về về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp…

Ngày 19.1.2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 386/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc: “Bộ Tư pháp khẩn trương thống nhất với Bộ Nội vụ về nội dung dự thảo Nghị định, trong đó chú ý các quy định về: tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; hạng, ngạch pháp chế viên; chế độ phụ cấp đối với pháp chế viên”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trao đổi, thống nhất một số nội dung của dự thảo Nghị định.

Trên cơ sở Tờ trình số 69/TTr-BTP và ý kiến trao đổi, thống nhất với hai bộ nêu trên, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định và các tài liệu kèm theo. Ngày 16.11.2023, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 76/TTr-BTP trình Chính phủ đối với dự thảo Nghị định này. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Công văn số 9613/VPCP-TCCV ngày 8.12.2023. 

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục