Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Bộ Tư pháp: Trả lời cử tri về vấn đề hụi (họ) trong nhân dân
Chủ nhật: 05:02 ngày 14/10/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bộ Tư pháp vừa có ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh về vấn đề hụi (họ) – một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động.

Tình trạng lừa đảo, chiếm dụng vốn, cho vay nặng lãi… thường xuyên xảy ra, núp bóng dưới hình thức hụi (họ)

(BTNO) – Vừa qua, Bộ Tư pháp đã có ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh về vấn đề hụi (họ) – một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động.

Theo cử tri Tây Ninh, Bộ luật Dân sự đã dành hẳn một điều (điều 479) để quy định về vấn đề hụi (họ). Để quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này, Chính phủ cũng đã có nghị định (số 144/2006/NĐ-CP ngày 27.11.2006) nêu rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia hụi (họ). Kể từ khi có văn bản quy định, phong trào hụi (họ) phát triển mạnh, tổ chức nhiều nơi. Tuy nhiên, một số phần tử xấu lợi dụng quy định để huy động vốn, trục lợi gây mất an ninh trật tự trong nhân dân, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, phá sản… Cử tri đề nghị sớm có Thông tư hướng dẫn Nghị định của chính phủ để quản lý vấn đề hụi (họ) chặt chẽ hơn.

Về kiến nghị trên, Bộ Tư pháp cho biết, sau khi Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27.11.2006 về hụi, họ, biêu, phường nhằm quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005. Hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người. Chơi họ có mục đích là huy động vốn, tương trợ nhau trong nhân dân, do đó, được Nhà nước công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, việc chơi họ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể là Bộ luật Dân sự, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP và các văn bản khác.

Theo Bộ Tư pháp, việc cho rằng kể từ khi có văn bản quy định về vấn đề này thì phong trào chơi họ phát triển mạnh, có một số phần tử xấu lợi dụng để thu lợi bất chính… cần phải được nghiên cứu kỹ để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Nói do có sự cho phép của pháp luật đã dẫn đến tình trạng trên là không chính xác. Việc Nhà nước công nhận hình thức chơi họ là do nó có mục đích tốt đẹp (nhằm hỗ trợ cho nhau trong cộng đồng) chứ pháp luật không cho phép việc chơi họ bất chính, vi phạm pháp luật, cụ thể là:

- Khoản 3, Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

- Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về chính sách của Nhà nước quy định: Nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lửa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác.

- Điều 10 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP cũng đã quy định rõ về vấn đề lãi suất nhằm tránh tình trạng cho vay nặng lãi, cụ thể là: Trong trường hợp họ có lãi thì lãi suất đối với phần họ được thực hiện theo quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự 2005.

Ngoài ra, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP cũng đã dành hẳn Chương IV để quy định về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của những người chơi họ.

Như vậy, có thể thấy, việc xảy ra tình trạng lừa đảo, chiếm dụng vốn, cho vay nặng lãi… là do hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức chơi họ chứ không phải do pháp luật không quy định hay quy định không cụ thể. Do đó, không cần thiết phải ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì phải được cơ quan Nhà nước có liên quan áp dụng các biện pháp chế tài để trừng phạt như bồi thường thiệt hại, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Để khắc phục tình trạng lừa đảo, chiếm dụng vốn, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật trong nhân dân và tổ chức thi hành một cách nghiêm minh các quy định pháp luật hiện có về hụi, họ.

HY UYÊN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục