Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Y tế đang xem xét để thay đổi hoạt động giám sát dịch cúm A/H1N1 cho phù hợp giữa những vùng chưa có dịch hoặc dịch mới bắt đầu xuất hiện với vùng đã có virus cúm A/H1N1 lây lan ra cộng đồng.

![]() |
Nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nên dễ có khả năng lây nhiễm. |
Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, cả nước đã ghi nhận thêm 63 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1), trong đó miền Nam 40 ca, miền Bắc 10 ca, miền Trung 3 ca và Tây Nguyên 10 ca.
Chiều 14.8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cho biết có thêm một nhân viên y tế tên Đ.T.N.T, 21 tuổi (Khoa Cấp cứu BVĐK Bình Dương) bị nhiễm cúm A/H1N1. Tính đến nay đã có hai nhân viên y tế Bình Dương bị lây nhiễm cúm.
Tính đến 17 giờ ngày 14.8, cả nước đã ghi nhận 1.363 người nhiễm cúm A/H1N1, 2 ca tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 1024 người, hiện còn 339 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết, Bộ Y tế đang xem xét để thay đổi hoạt động giám sát dịch cúm A/H1N1 cho phù hợp giữa những vùng chưa có dịch hoặc dịch mới bắt đầu xuất hiện với vùng đã có virus cúm A/H1N1 lây lan ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, từ trường hợp nhiều người trong đoàn giáo viên và học sinh trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh di du lịch xuyên Việt bị nhiễm cúm A/H1N1 trên đường đi có thể thấy dịch đã lan rộng ra cộng đồng. Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tập trung đông người nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Sau hơn 2 tháng điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 (với 108 ca nhiễm), Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã có con số thống kê và phân tích cụ thể về tình trạng bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Theo đó, có 98% bệnh nhân hết sốt sau 3 ngày điều trị, nhưng có đến 25% số bệnh nhân sau 7 ngày điều trị vẫn còn virus cúm A/H1N1, gần 50% số bệnh nhân vẫn còn virus sau 5 ngày điều trị, 15,6% số bệnh nhân còn virus sau 10 ngày điều trị và số cò lại phải điều trị 15 ngày mới hết virus.
Nhưng phác đồ điều trị mới được chỉnh sửa của Bộ Y tế cho thấy, tiêu chuẩn ra viện ở những nơi xét nghiệm được là: sau khi hết sốt 3 ngày, tình trạng lâm sàng ổn định và xét nghiệm vào ngày thứ tư cho kết quả âm tính. Còn với những nơi không có khả năng xét nghiệm thì chỉ cần bệnh nhân ổn định và hết sốt 3 ngày là được ra viện. “Như vậy, rất có thể sẽ để người bệnh xuất viện mà virrus cúm vẫn tồn tại trong cơ thể” - ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng cho hay. Ông Kính đề xuất: “Sau khi xuất viện bệnh nhân vẫn phải tự cách ly tại nhà trong khoảng 1 tuần và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ”.
Ngoài ra, theo ông Kính, thời gian gần đây đã xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn gốc. “Do đó, nếu căn cứ vào yếu tố dịch tễ (đi đâu, tiếp xúc với ai) mà bỏ qua xét nghiệm thì có thể sẽ để lọt bệnh nhân cúm thật”, ông Kính nhận định.
Đ.H.T
(tổng hợp)