Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tháng 11 và 12, khi thời tiết chuyển lạnh mới là đỉnh của dịch cúm A/H1N1. Đây mới là lúc dịch bùng phát mạnh, số người tử vong tăng nhanh, người dân không được chủ quan với dịch bệnh này...

![]() |
Nhiều phụ nữ mang thai tử vong vì cúm A/H1N1. |
Sau khi Bộ Y tế có chủ trương điều trị cúm A/H1N1 theo triệu chứng, thì con số cập nhật về số lượng bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Bộ Y tế cho rằng, số lượng bệnh nhân cúm A/H1N1 cao gấp 10 đến 12 lần con số được cập nhật, tức là Việt Nam có khoảng 150 ngàn bệnh nhân tại 59/63 tỉnh, thành có bệnh nhân, trong đó đã có 32 bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong. Các chuyên gia cho biết, các ca bệnh này thường do người nhà chủ quan, tự điều trị tại nhà, chỉ đến khi bệnh nặng mới mang tới bệnh viện.
Qua kết quả giám sát cúm tại 15 điểm giám sát cúm quốc gia cho thấy, 100% bệnh nhân cúm dương tính cúm A/H1N1 và dịch đã lây lan ra cộng đồng. Đây là lý do Bộ Y tế không cập nhật con số bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, điều này đã dẫn tới sự hiểu lầm của người dân về việc dịch cúm đã ngừng và không nguy hiểm như những cảnh báo ban đầu.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Gần đây chúng ta đã không xét nghiệm 100% các ca bệnh, mà chỉ giám sát các điểm bùng phát dịch mới và những người có triệu chứng bệnh nặng, những ca tử vong, xét nghiệm tính kháng thuốc của virut... WHO đã ngừng xét nghiệm và cập nhật số liệu cách đây 2 tháng và cũng khuyến cáo các nước không xét nghiệm toàn bộ, vì trong phòng chống dịch, ngăn chặn dịch, việc xét nghiệm tất cả các bệnh nhân là không còn ý nghĩa”.
Đến thời điểm này, hội chứng cúm đang bùng phát rất mạnh và diễn biến phức tạp, số lượng tử vong được cập nhật liên tục. Trong khi đó, tại nhiều nơi, người dân đã trở nên chủ quan trước dịch cúm A/H1N1 và cho rằng, cúm A/H1N1 cũng giống như các loại cúm khác. Bộ Y tế khuyến cáo, tháng 11 và tháng 12, khi thời tiết chuyển lạnh mới là đỉnh của dịch cúm A/H1N1, đây mới là lúc dịch bùng phát mạnh, số người tử vong tăng nhanh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1603 đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính bổ sung 594,150 tỷ đồng cho 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (538.900 tỷ đồng) và các Bộ, ngành Trung ương (55.250 tỷ đồng) hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm A/H1N1.
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xem xét, xử lý việc bổ sung kinh phí phục vụ phòng, chống dịch cúm A/H1N1 đối với 16 địa phương còn lại.
Cụ thể: đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, hỗ trợ 100% kinh phí phòng, chống dịch. Các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang được hỗ trợ 80% kinh phí. TP Hà Nội và TP HCM chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện. Đối với các tỉnh, thành phố còn lại, hỗ trợ 70% kinh phí phòng, chống dịch.
Tính đến nay, Bộ Tài chính đã hỗ trợ tổng thể 790,654 tỷ đồng cho 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (595,390 tỷ đồng) và 8 Bộ, ngành Trung ương (195,264 tỷ đồng) để phòng chống dịch cúm A/H1N1. Nguồn kinh phí được trích từ nguồn dự toán chi sự nghiệp y tế thuộc ngân sách Trung ương năm 2009 Quốc hội đã quyết định nhưng chưa phân bổ.
K.D (tổng hợp)