BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Y tế và Bộ TN-MT: Trả lời cử tri Tây Ninh về thủ tục khám, chữa bệnh và việc hạn chế sử dụng túi nilon

Cập nhật ngày: 25/06/2010 - 05:43

(BTNO) - Cử tri Tây Ninh kiến nghị: hiện nay các cơ sở khám, chữa bệnh ở trung ương đều quá tải; các thủ tục khám, chữa bệnh còn nhiều rắc rối khiến người dân mỗi lần đi khám bệnh mất nhiều thời gian chờ đợi, trong khi đó công tác khám, chữa bệnh ở cơ sở không đáp ứng yều cầu. Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu và chỉ đạo ngành y tế các cấp rà soát các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, đồng thời có chính sách phù hợp nhằm thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn về công tác tại cơ sở.

* Bộ Y tế trả lời:

Khám bệnh cho bé. (Ảnh B.T)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị, thời gian qua công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, ngành Y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phân bố nhân lực y tế không đều giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y trầm trọng; khoảng cách chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân giữa các vùng miền khác biệt rõ rệt.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có 1 giải pháp quan trọng là thực hiện Đề án: “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816), với 3 mục tiêu:

- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.

- Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.

- Chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Sau hơn một năm thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ngành, địa phương; sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành y tế, Đề án 1816 đã thu được những kết quả tốt, 3 mục tiêu của Đề án cơ bản đã đạt được; trong năm 2009, đã có 1.846 lượt cán bộ tuyến trên được cử đi luân phiên cho y tế cơ sở của những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; đã có 1.023 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành được chuyển giao; khám và điều trị được trên 210 ngàn lượt bệnh nhân và phẫu thuật được gần 5.000 ca, nhiều ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống; đặc biệt giảm trung bình 30% tỷ lệ chuyển tuyến không hợp lý của các bệnh viện tuyến dưới.

Để tiếp tục thực hiện Đề án 1816 trên cơ sở phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức triển khai, duy trì tính bền vững và hiệu quả của Đề án, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện một số công việc sau:

- Kiện toàn, phát huy vai trò lãnh đạo của Ban chỉ đạo các cấp trong việc thực hiện Đề án 1816.

- Tiếp tục phổ biến, quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn ngành về chủ trương triển khai việc thực hiện nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế, cụ thể trong giai đoạn hiện nay là thực hiện Đề án 1816; các đơn vị được giao nhiệm vụ cử cán bộ đi luân phiên đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ. Thực hiện tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyến dưới để xây dựng kế hoạch hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.

- Đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của việc cử cán bộ từ Trung ương luân phiên hỗ trợ bệnh viện địa phương, đẩy mạnh việc thực hiện luân phiên cán bộ từ bệnh viện tỉnh xuống hỗ trợ các bệnh viện huyện, đưa bác sĩ từ huyện xuống khám chữa bệnh tại xã.

- Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về quá trình thực hiện Đề án 1816, đưa ra bằng chứng khoa học, để đánh giá mặt mạnh, mặt tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện Đề án 1816, phát hiện mô hình điển hình, nhân rộng trên toàn quốc.

- Xây dựng cơ chế chính sách để tiến tới luật hoá về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ y tế đối với xã hội, đồng thời xây dựng chính sách chế độ đối với cán bộ đi luân phiên. Xây dựng và thực hiện các chế độ chính sách liên quan Đề án 1816 đối với đơn vị cử đi luân phiên, nhận cán bộ đến luân phiên và cán bộ được cử đi luân phiên. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Đề án 1816 và quy tắc ứng xử của cán bộ y tế.

* Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu sản xuất mặt hàng thay thế túi nilon để bảo vệ môi trường vì túi nilon khó tiêu huỷ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trong hệ thống các văn bản pháp lý của nước ta chưa có quy định nào quy định việc cấm hay hạn chế sử dụng túi nilon trong đời sống?

* Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sử dụng túi nilon thì tại nước ta, bao bì nilon vẫn được dùng một cách phổ biến cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân. Vì vậy số lượng lớn túi nilon phát thải ra môi trường đã và đang gây ra những tác hại rất nghiêm trọng không chỉ trong trước mắt mà còn cả về lâu dài.

Đứng trước tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải túi nilon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng hợp lý túi nilon như tổ chức, vận động "Một ngày không sử dụng túi nilon ở Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2009 về hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động bảo vệ môi trường. Trong Nghị định này, Chính phủ quy định nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở vật chất, đất đai, vốn, hỗ trợ thuế, tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường, tái chế, tái sử dụng, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng lộ trình hạn chế sử dụng túi nilon và tiến tới cấm sử dụng túi nilon tại Việt Nam; nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng túi nilon và tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thay thế bằng chất liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng bao bì tự huỷ.

Thanh Nhàn (lược trích)