Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn viên thanh niên là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước. Trải qua thực tiễn cách mạng, Người nhận xét: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”.
Người nhấn mạnh, thế hệ trẻ mới là người xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam. Để họ hoàn thành vai trò lịch sử của mình, Người yêu cầu “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của thanh niên “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong thư gửi hội nghị thanh niên toàn quốc năm 1947, Bác Hồ viết: “Người ta thường nói thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà.
Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra sức làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.
Nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 1961, Bác Hồ nói: “Bác rất yêu mến thanh niên vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai- tức là các cháu nhi đồng;
Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội…”, vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Vì lẽ đó, Người đòi hỏi “thanh niên phải làm đầu tàu, xung phong gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước”.
Hồ Chí Minh nhìn nhận thanh niên như là một chủ thể đang phát triển, tức là thanh niên cũng có mặt mạnh và yếu. Người viết “thanh niên hăng hái, xung phong”, nhưng lại “hay chuộng hình thức, ít xem xét kết quả”, “chưa từng trải và thiếu kinh nghiệm” hoặc “đầu voi đuôi chuột”... Vì vậy, thanh niên cần phải được dìu dắt, giáo dục, bồi dưỡng về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới đang đặt ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mà “dốt thì dại, dại thì hèn”. Vì vậy, giáo dục là phương thức quan trọng nhất của sự nghiệp “trồng người”, là một mắt xích không thể thiếu trong chiến lược bồi dưỡng thế hệ trẻ “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Để giáo dục có hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.
Người chỉ rõ rằng “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là trí thức chỉ có một nửa. Trí thức của y là trí thức sách vở, chưa phải trí thức hoàn toàn”.
Để xứng đáng là thế hệ cách mạng của đời sau, Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên phải ra sức học tập: học tập trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội; học tập qua sách vở và từ chính thực tiễn cuộc sống. Người đòi hỏi thế hệ trẻ phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng theo một nguyên tắc nhất quán “điều gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân thì kiên quyết chống lại, điều gì phải thì kiên quyết làm cho bằng được, dù là việc nhỏ”.
Để thanh, thiếu niên và nhi đồng xứng đáng là thế hệ cách mạng của đời sau, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào? Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực”.
Nói chuyện tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa, năm 1960, Bác căn dặn: “Người ta thường nói thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây: Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ những người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư, tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí. Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Trong thư gửi thanh niên năm 1965, Bác Hồ viết: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu…
Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do. Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa.
Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân. Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
Trong di chúc để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”...
“Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, bền bỉ, nhưng dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta nhất định thực hiện thành công để các thế hệ trẻ cùng giúp sức vào “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ