Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bốn bức lộng trong đèn kéo quân
Chủ nhật: 05:15 ngày 16/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tưởng cắm đèn cầy vào đế, trục quay kèn kẹt. Trên thân đèn lần lượt hiện ra.

Cô gái thứ nhất hai bím tóc dài vừa qua vai một tẹo. Hình nhìn từ phía sau chẳng trông thấy mặt. Tưởng nhớ hồi này cô gái mới mười tám tuổi. Tưởng nhỏ hơn cô gái hai tuổi. Ở độ này con gái đã vào độ tuổi thành thục còn con trai phải đợi sau ít năm. Tưởng nhớ mỗi khi đứng gần, Tưởng chỉ đứng đến tai cô gái.

Trong nhóm thanh niên xung phong ngày ấy có bốn cô gái và tám chàng trai. Tưởng loắt choắt nhưng lém lỉnh. Tưởng biết mình so với các anh trong đội thì chẳng thể so bì. Ai cũng có tài lẻ, người có giọng hát hay, người đàn ghi-ta, có cả một anh chàng kể chuyện tiếu lâm rất hấp dẫn. Tưởng chẳng có gì đặc biệt. Nhưng anh chàng Tưởng cứ bám riết cô gái. Đàn ông hay kháo nhau nhất cự ly nhì tốc độ.

Không muốn dây dưa làm Tưởng hy vọng. Cô gái hay kể với các đồng đội nữ nhưng cốt ý để Tưởng nghe thấy là mình đã có người yêu. Người yêu cô làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Hai người yêu nhau từ thời phổ thông. Anh người yêu nhà gần căn cứ Lõm vùng ruột, sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông bà theo Việt Minh, cha tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh hồi “quyết tử giữ Gò Dầu”. Anh là con trai một, được xét không phải đi nghĩa vụ nhưng anh trốn nhà, đăng ký tình nguyện tham gia. Khi gia đình biết chuyện thì đã quá muộn, mẹ anh khóc mắt sưng húp. Anh thắp nhang trước bàn thờ cha, rồi thưa với mẹ là con của anh hùng, liệt sĩ anh không thể sống dựa vào thanh danh của cha. Là con trai trong gia đình có truyền thống yêu nước anh không thể sống bên lề thời cuộc. Những người bạn của anh, người rời giảng đường, kẻ bỏ ruộng đồng không người chăm bón lên đường nhập ngũ.

Bữa chia tay trước ngày nhập ngũ hai người hẹn gặp nhau ở cánh rừng cao su. Đang vào mùa thay lá, những bước chân trên thềm lá dày êm êm chứ không xào xạc như trong câu thơ của thi sĩ nổi tiếng. Sau những phút cầm tay dặn dò bịn rịn, hẹn hò sau ba năm giải ngũ sẽ cưới nhau. Đột nhiên chàng trai lấy hết can đảm thổ lộ mong mỏi. Mặt cô gái bừng đỏ như lá cao su chín. Em không thể. Chàng trai đang hào hứng bỗng hụt hẫng chua chát ngay cả khi anh đi không thể về em vẫn tiếc với anh sao. Không hề. Nhưng đó là báu vật cho ngày cưới. Nếu anh không về nữa thì sao? Nếu anh trở về thành vợ thành chồng là điều em mong ước nhất đời, còn nếu không thì em sẽ ở vậy. Chàng trai bẽ bàng như câu vọng cổ xuống xề chợt hụt hơi.

*  *  *

Kèn kẹt. Đèn lại xoay. Một cô gái khác có mái tóc thề buông thõng hiện ra. Cũng là từ phía sau nhưng Tưởng nhớ lắm từng chi tiết trên khuôn mặt cô gái. Chiếc mũi hơi tẹt nhưng lại rất duyên.

Năm đó, Tưởng mười tám tuổi, ria để lún phún không cạo để trong mình già hơn tuổi.

Cô gái trong hình cũng có người yêu đi bộ đội. Từ dạo người yêu đi, cô dưỡng mái tóc dài đen mướt. Ngộ thật, thời gội đầu tóc bằng xà bông cục 72 phần dầu màu ngà ngà cứng còng mà tóc cô vẫn bồng bềnh như lãnh Mỹ A óng ả.

Trong trang nhật ký cô viết cho người yêu mà cũng để bộc bạch tình cảm của mình - những lời không thể nói. Có những thứ trĩu trong lòng còn có sức nặng hơn muôn lời đã qua cửa miệng.

Gò Chùa, rằm tháng Giêng.

Em đi Cao Sơn tự không có anh như mọi khi. Em cùng cô bạn men theo đường mòn rễ cây cổ thụ trồi lên mặt đất tạo hình những nấc thang. Đường xuống mé sông Vàm Cỏ Đông dốc thật gắt. Nước sông dềnh lên. Chỗ này nước xoáy. Một chiếc lá la đà chạm nước đã bị xoáy vần vũ rồi mất hút trong phễu nước khổng lồ. Cô bạn đi cùng biểu em xin xăm xem ra sao. Lá xăm có số 88, thuộc nhóm hạ-hạ. Ngồi nghe thầy giải xăm, em không hay mình khóc mãi khi nước mắt lăn dài chảy đến môi mằn mặn. Mười tám tuổi mà nỗi buồn kéo đến như ngày gọi đêm. Thư trước anh gửi về nói cuối tháng đó tiểu đoàn anh hành quân qua đất Campuchia. Trong thư anh lo em không bền lòng chặt dạ đợi anh về. Anh luôn ám ảnh câu ca dao chế: Ai đi qua Mỹ em chờ/ Anh đi nghĩa vụ em lờ anh luôn. Không thể trách anh được vì thực tế đúng là vậy. Cô bạn thân của em có người yêu đi nghĩa vụ đã vội quên lời nguyện thề. Những thùng hàng gửi về có cục xà bông thơm phức, thỏi son có lớp vỏ xi vàng, chai nước hoa có vòi xịt. Những món quà đó đã kéo cô bạn em xa dần anh người yêu, mơ ngày hội ngộ người yêu mới cách nửa vòng trái đất.

Hôm rồi, nhận kết quả thi rớt đại học. Ước mơ là bác sĩ coi như tan vỡ. Hôm làm hồ sơ thi đại học trưởng ấp xác nhận về thành phần gia đình ghi là gia đình tiểu thương, người gốc Minh Hương. Ở một thời kỳ ai cũng cố ý ghi thành phần gia đình là bần nông hoặc bần cố nông. Con người ta không thể chọn cửa sinh ra. Ba mẹ thấy em buồn nên nói con gái học hết cấp ba là tốt rồi. Kiếm nghề may, thêu, đan học đi rồi mai mốt về nhà chồng. Em không muốn lặp lại vòng quay chợ - nhà, chờ chồng mỗi tháng đem lương về một cách thụ động như chờ ban phát. Một bữa có người bạn của ba em tới thăm nhà. Cho nó tham gia lực lượng Thanh niên xung phong đi. Ba em hỏi lại đó là làm gì. Cũng giống như làm ruộng làm rẫy theo trồng cao su, cạo mủ cao su, trồng mía, trỉa đậu… cho các nông trường. Nhưng nó có học hết cấp 3 thì gửi đi học khoá y tá cấp tốc để anh em trong lực lượng có gì thì sơ cấp cứu kịp thời, nặng thì chuyển lên tuyến trên. Từ đó em xa nhà.

*  *  *

Đèn quay. Gió mạnh quá, ngọn đèn chao. Một em bé tóc cột hai chùm từ từ lướt qua. Tưởng nhớ rồi. Lúc này bé mới hai tuổi. Đó là khi bé bi bô kêu ba ba. Nhưng ba bé không mừng. Bé hồn nhiên cười tít mắt đưa hai tay về phía trước kêu bế bế. Ba bé lạnh nhạt đi qua. Bé còn nhỏ đâu biết được. Bé là kết tinh của tình yêu không trọn vẹn.

Mẹ bé từng yêu một người bạn cùng trường trước khi gặp ba của bé. Hai người yêu nhau thắm thiết, những lời thề thốt viết vào một quyển sổ. Mẹ bé cất giữ trong cặp đi học suốt thời gian ở giảng đường. Thời gian dành cho yêu thì nhiều kết quả là kỳ thi ra trường, mẹ bé gần đội sổ. Bữa bắt thăm chọn nhiệm sở, mẹ bé phải về một tỉnh xa Sài Gòn một trăm cây. Anh người yêu học giỏi hơn nên được chọn nhiệm sở vùng ngoại ô thành phố. Có một cặp trong lớp cùng hoàn cảnh nhưng bạn trai quyết xa thành phố theo bạn gái xuống tận Giá Rai, Bạc Liêu, đường xa vời vợi. Mẹ bé khóc. Anh chàng thề non hẹn biển với mẹ bé lẳng lặng biến mất không một lời từ biệt. Dì của bé biết chuyện chì chiết mẹ bé mải yêu quên học, yêu mù quáng. Mẹ bé khóc như mưa dầm. Mãi cho tới khi ông ngoại bé can ngăn thôi thì dẫu sao cũng biết người ta không thật lòng. Chứ còn nếu về ở với nhau rồi mới phát hiện ra thì lỡ dở cả một đời người.

Ngày đi nhận nhiệm sở, bà ngoại dẫn mẹ bé đi. Hai mẹ con đón mấy lượt xe mới tới nơi. Cô phụ trách ở Ty Giáo dục nói rằng các trường ở thị xã và vùng ven nội thị ưu tiên phân bộ cho học viên của trường trung cấp của tỉnh rồi. Chỉ còn mấy trường ở xa. Rồi cân nhắc chỉ cho mẹ bé một điểm trường ở nơi ít quạnh vắng hơn. Số phận đưa đẩy, ba bé từ một tỉnh khác về lại quê trình diện được phân công đến công tác tại nơi mẹ bé công tác. Một lần nữa trái tim của mẹ bé lại đập loạn nhịp vì yêu. Anh chàng đẹp trai, lại đàn hay. Ngược lại, ba bé là một người có trái tim nhiều ngăn, sẵn sàng dung nạp những người dễ liêu xiêu như mẹ bé. Hai người sống biệt lập trong hai dãy nhà trọ dành cho nam, nữ giáo viên xa nhà tưởng như có bức tường thành ngăn cách.

Bốn tháng sau, mẹ bé viết thư nhét trong cuốn giáo án hỏi ba bé tính sao. Mẹ bé đã có bầu. Ba bé không trả lời nhưng chở mẹ bé ra một nơi xa xa trường học bảo rằng ba bé không yêu mẹ bé. Chuyện lỡ làng rồi mẹ bé tính sao cho vẹn, tình yêu là thứ không thể nào miễn cưỡng được. Mẹ bé nghẹn ngào nghĩ đời mình sao bạc phước, bao nhiêu người trên cõi đời sao không tìm được một người yêu mình chân thành.

Trên chuyến xe về lại Sài Gòn, nghĩ đến chuyện về thưa với ông bà ngoại những lầm lỡ của mình mẹ bé lại nức nở khóc. Khóc tự nhiên không e dè những ánh mắt nhìn cảm thông lẫn tò mò. Một bà ngồi chung băng ghế hỏi sao con khóc dữ vậy. Mẹ bé không ngần ngại cháu vừa mất một người thân. Bà kia không hiểu chia buồn cùng cháu. Mong cháu sớm vơi buồn. Thì đúng là mẹ bé mất đi người thân. Ở một vài trường hợp sự hiện diện có khi còn đau đớn hơn…

Dì bé lại chì chiết mẹ bé. Yêu dại dột. Một lần chưa rút kinh nghiệm hay sao. Đồ mê trai… Mẹ bé chỉ biết im lặng chờ qua cơn thịnh nộ. Ôi! Tình yêu mở ra vô vàn cánh cửa mà mỗi lối dẫn đến một miền khác làm sao có thể dè chừng. Khi yêu chỉ cần yêu và được yêu là mãn nguyện. Ông bà ngoại không biết sao giải quyết, cái thai đã sang tháng thứ tư nhưng do mẹ bé quá gầy gò nên chưa thấy bụng nhưng giấu cũng chỉ là chuyện nhất thời chứ sao giấu mãi.

Giữ lại cái thai hay phá?

Bốn người có một câu hỏi mà không có câu trả lời.

Phụ nữ không chồng mà chửa là chấp nhận làm mồi cho dư luận, mỗi bước đi bụng hất phía trước lưng võng phía sau ì à ì ạch đi qua là phía sau bao nhiêu lời bàn tán rôm rả như tiếng pháo chuột bì bạch tiễn đường.

Gần một tuần trôi qua trong im lặng, không khí u uẩn như có người chết. Đột nhiên dì bé bừng dậy: Đã có cách, thằng đó phải có trách nhiệm.

- Sao? Tiếng ông bà ngoại thảng thốt.

- Nó phải cưới thôi!

- Ảnh đã nói không yêu em mà chị? Mẹ bé thở dài thườn thượt và giọng nghèn nghẹn mếu.

Để coi. Dì bé nói. Đôi mắt dì lấp lánh tia bí hiểm.

Phòng Giáo dục mời ba bé tới. Đầu tiên ba bé quanh co. Họ nói với ba bé đàn ông dám làm thì dám chịu. Ba bé nói không có tình cảm với mẹ bé. Họ nói nếu không có tình cảm sao làm cho người ta mang bầu. Thì ba bé nói một câu chắc gì cái thai của ba bé.

Ba bé nói vậy là vì trong khu tập thể có một thầy giáo quê ở Thủ Dầu Một qua dạy. Thầy hơi lùn, tướng đi hai hàng, cục mịch. Nhưng bù lại thầy siêng năng tháo vát, bổ củi cho các cô nấu cơm, xách nước cho các cô rửa chén, tắm giặt. Thầy gánh hết những việc nặng nhọc để các cô những việc nhẹ nhàng. Trang báo tường một mình thầy trang trí, biên soạn, viết… chữ thầy đẹp thanh thoát, văn thầy bay bổng gần gũi. Từ dạo biết mẹ bé có nguy cơ bị bỏ rơi thầy hay an ủi, đi đám tiệc người ta cho quà bánh đem về thầy cũng dành cho mẹ bé khi trái cam, khi trái táo. Chăm sóc như kiểu anh trai quan tâm em gái.

Ngày cưới. Mẹ bé mặc chiếc áo dài rộng thùng thình. Áo dài được mấy bà chị chồng lấy vải dư còn sót lại nên chỗ tay áo có nối. Mẹ bé vui vẻ trước những yêu cầu vô cớ của nhà chồng. Không được chụp hình vì cô dâu có bầu chụp hình xui lắm. Cô dâu không được đi cổng chính phải đi tắt cửa sau vào nhà chồng…

Rồi mẹ bé bắt đầu chuỗi ngày làm dâu. Sáng thức dậy sớm xách nước đổ đầy ảng, bụng lặc lè nhưng không dám một lời than van. Cơm nấu một nồi to đùng cho nhà chồng gần chục người ăn cùng đám cháu lắt nhắt và tốp thợ học may. Cơm dọn lên mẹ bé mệt nhoài ăn sau, đám người ăn trước như tằm ăn rỗi. Dọn xuống, rửa chén úp lên chưa kịp ráo thì đám cháu ăn, lại dọn, rồi thợ ăn lại dọn. Cứ thế mẹ bé gầy tọp đi. Đã vậy mẹ chồng hay mắng chửi những câu vô cớ. Mẹ bé ức lòng nhưng không dám lên tiếng. Một đôi lần vì tức nước vỡ bờ nói lại thì mẹ chồng nói tôi là người đã rửa mặt cho cô, gia đình cô. Những lúc đó thì ba bé ở đâu?

Gần đến ngày sinh, mẹ bé xin phép bên  nhà nội bé cho về nhà ngoại để tiện đi sinh và nằm ổ. Khi mẹ bé sinh bé gần một tuần mà ba bé vẫn biền biệt. Các sản phụ cùng phòng hỏi mẹ bé sao không thấy anh nhà. Mẹ bé và ngoại bé nháy mắt nhau trả lời chồng đi công tác xa... Mãi tới khi gần xuất viện ba bé mới ghé bệnh viện. Bế bé lên ba bé nói sao nó chẳng giống tui chút nào rồi đi mất. Ngoại và mẹ bé ngồi chết trân trước ánh mắt của người xung quanh. Bé một tuần tuổi vẫn chưa có tên. Mẹ bé chờ ba đặt. Nhưng ba bé biền biệt. Bà ngoại thấy người đến thăm cứ hỏi tên bé. Ngoại suy nghĩ thật lâu rồi nói cục cưng của bà tên Tròn nhé. Cuộc sống con sẽ TRÒN đầy, mọi thứ đều TRÒN trịa cả.

*  *  *

Trục đèn xoay gần giáp, một cô gái tóc ngắn trang phục Thanh niên xung phong hiện ra. Tưởng nhớ khi cắt hình này đã có bồi giấy dán lên mặt cô gái một số nốt mụn, mái tóc tém ngang tàng. Thời gian ở nông trường chưa đầy sáu tháng, chiến tranh biên giới diễn ra ác liệt. Đội Thanh niên xung phong lên đường lên biên giới làm nhiệm vụ sửa đường, sơ cấp cứu thương bệnh binh để chuyển về tuyến sau. Đoàn tới Bến Cầu lúc sáng sớm. Ngang qua một ngôi làng ở ấp Long Cường, không một bóng người, nhà cửa vắng tênh, bếp lạnh tanh, gió vãi tro bay mù mù. Người dẫn đường ở địa phương kêu cả đội ghé vào một là ven con đường mòn rồi kể mười ngày trước thôn xóm còn yên bình, người dân tảo tần một nắng hai sương với đồng ruộng. Một đêm bọn Pol Pot tràn qua giết hại dân lành không còn một ai sống sót. Nghe lời kể, cả đội thấy rờn rợn người. Cô gái lấy một nắm nhang đốt rồi thắp lên bàn thờ trong nhà, bàn vọng thiên. Cô cầu mong cho những linh hồn người bị chết thảm siêu thoát. Đoàn đi dần tới biên giới, nghỉ chân nơi rừng khộp Long Phước, từ đó lên tới biên giới chưa đầy một cây số. Cô gái nói đội của ta chỉ có hai khẩu súng nếu có bất trắc gì không thể phòng thân. Cô đề nghị đội trưởng đề xuất cấp trên cấp cho bốn cô gái trong đội mỗi người một quả lựu đạn. Để khi bọn Pol Pot vây bắt định hãm hiếp thì rút chốt thí mạng với kẻ thù.

Đội qua biên giới. Cô gái ngoảnh lại nhìn làng mạc quê hương nằm lại phía sau. Vừa qua đường biên, đất nối đất, ruộng nối ruộng mà sao xa cách lắm. Nhóm người trong đội co cụm lại, không ai bảo ai. Nỗi sợ lan toả nhưng tuyệt không ai dám nói ra sợ ảnh hưởng tâm lý của đồng đội. Họ ca vang Cô gái mở đường, Những bông hoa trên tuyến lửa để át đi sự hồi hộp. Đêm xuống những cô gái trong đội rúc vào chiếc lều, bên ngoài những chàng trai canh gác. Các cô gái ban đầu thắc thỏm không ngủ được nhưng rồi say giấc vì cả ngày đi bộ.

Có tiếng súng nổ. Cả đội giật thót mình. Cô gái vùng khỏi lều chạy thoát thân. Hai thằng Pol Pot chặn cô lại, ngó sau lưng cô biết cùng không thể lùi, cô thò tay vào túi áo rút chiếc dao bén ngót. Trong tích tắc đầu, cô định rạch nát khuôn mặt nhưng nghĩ đến bọn dã thú không từ bỏ thú độc ác, cô lấy hết sức bình sinh đâm chí mang vào khoang bụng, máu phún thành vòi, búi ruột lộ ra, cô ngã xuống mương. Bọn ác ôn lôi cô gái lên chúng thấy cô đã chết, cay cú đập báng súng vào đầu cô và toan cắt cổ. Vừa lúc đó có tiếng súng nổ, bọn Pol Pot tháo chạy. Bãi chiến trường ngổn ngang thi thể những thanh niên xung phong chân yếu tay mềm, những cô gái loã thể, người đầy máu, có cô cắn lưỡi máu phún ra đầy miệng, những nam thanh niên chết không toàn thây, máu me bết dính thân người.

*  *  *

Tưởng là người may mắn sống sót. Sau cú đập vào đầu anh bất tỉnh, bọn Pol Pot ngỡ Tưởng chết nên lao vào đồng đội anh đang chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ các nữ đồng đội. Tuy còn sống nhưng vết thương ở đầu và ám ảnh của trận thảm sát đã biến Tưởng thành một người khác. Từ một sinh viên Bách Khoa cắt máu viết đơn xin gia nhập lực lượng để ra tiền tuyến trở thành bệnh binh bậc 4/4.

Chỗ rừng khộp ngay ngã ba Long Phước gần biên giới với Campuchia mà đội của Tưởng ngừng nghỉ chân xốc lại tinh thần trước khi qua biên giới, lực lượng Thanh niên xung phong xây dựng đền tưởng niệm. Tưởng được mời đến dự lễ khánh thành đền tưởng niệm. Trong đền dưới bia tưởng niệm là chiếc chuông có khắc tên các thành viên của đội đã hy sinh trong đêm thảm sát. Chiều xuống, hoa lộc vừng ven hồ đỏ sậm rụng đầy như vấy máu. Tưởng gióng chuông, tiếng ngân rung đôi bờ đường biên. Tưởng rờ từng cái tên, những gương mặt thân thương mười tám, hai mươi của ngày đó từ ký ức hiện về.

Nhưng có gì đó thiêu thiếu, chẳng có tên của Tròn. Tưởng vào nhà lưu niệm, chiếc ba lô vết máu lâu ngày thâm đen, quyển nhật ký nhàu và ố vàng của Tròn.

Chị Tròn ơi! Chị ở đâu?

Nghe nói Tròn không chết, khi tiểu đoàn trinh sát tới, búi ruột lòi ra khoang bụng, họ định đưa Tròn cùng với các đồng đội về nghĩa trang chôn cất thì thấy tiếng rên nhè nhẹ mẹ ơi! Tròn bị mất máu quá nhiều, vết đâm ở bụng bị nhiễm trùng. Nhưng sâm hạ hạ có vẻ ứng nghiệm, Tròn được chuyển tuyến về bệnh viện huyện rồi chuyển về bệnh viện tuyến thành phố. Trong thời gian Tròn nằm viện điều Trị, mẹ Tròn có đến thăm một lần. Ba Tròn không đến.

Lại nghe kể khi giải ngũ anh người yêu của Tròn có đến thăm. Anh hỏi Tròn có còn giữ không? Tròn đưa quyển sổ đã phai màu. Anh lắc đầu nói anh hỏi cái ngày chia tay anh xin.

Tròn khóc không cầm được… cho đến khi anh người yêu đi về.

Người ta kể thấy Tròn xuống lối chỗ rễ cây kết thành bậc thang tới mé sông chỗ có xoáy nước và không thấy quay lên. Chỗ xác của Tròn nổi lên sau này có giống sen màu đỏ thẫm mọc lên, loại sen có bốn bông mọc từ một cuống. Người ta hái đem về trồng thì cũng giống sen ấy chỉ cho mỗi cuống một hoa và màu hồng nhợt nhạt như môi dầm mưa.

Lại nghe nói Tròn sau này vào làm ở trại chăm sóc những bệnh binh ở chiến trường Campuchia về. Tại đó Tròn gặp anh thương binh. Tròn kể cho anh nghe vết sẹo lồi ở vùng bụng. Anh lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm không hỏi gì thêm, hai người cưới nhau.

Tất cả chỉ là những lời đồn đoán, không ai biết được tung tích Tròn thật sự ở đâu.

Cạnh cuốn sổ ố màu thời gian của Tròn ở nhà lưu niệm có bốn bức hình của Tròn, Tưởng đã dựa vào đó cắt bốn bức hình lộng vào chiếc đèn kéo quân. Vì sao các cô gái đều khắc hoạ từ phía sau, không có bức nào rõ mặt. Là vì Tưởng nhớ câu Tròn viết cuối quyển nhật ký: tôi là cô gái vô danh, yếu đuối, trong thời chiến tôi phải làm nhiệm vụ của mình, hết chiến tranh tôi lại sống tiếp một đời bình lặng vô danh.

T.T.Đ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục