BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bôxít: Dừng lại, bàn thêm để không trái lòng dân

Cập nhật ngày: 02/11/2010 - 11:54

Bộ trưởng: Tôi nói để Quốc hội yên tâm

Sáng 2.11, đại biểu Phạm Khôi Nguyên chủ động xin phép "phát biểu dài về một vấn đề lớn" - dự án bôxít trên tư cách người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường. Ông khẳng định, báo cáo đánh giá tác động môi trường do Tập đoàn Than - Khoáng sán (TKV) lập và do Bộ chủ trì tổ chức Hội đồng thẩm định, "đã làm rất cụ thể, khoa học và bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường".

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Chỉ khai thác mấy chục triệu tấn

Ông Nguyên nhấn mạnh, cả khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, hoạt động của nhà máy lẫn khu chất thải, tức là lo lắng nhiều nhất khu bùn đỏ đều theo "các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam qui định và các yêu cầu cân đong, đo đếm mà rất cụ thể là cơ sở khoa học".

"Tôi nói như thế để Quốc hội yên tâm", bởi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất, thẩm định thì có hẳn hội đồng 21 người, lớn gấp 3 lần các hội đồng thẩm định khác. Trong đó có 18 nhà khoa học, gồm các giáo sư, tiến sĩ, chủ yếu là viện trưởng, viện phó, giám đốc trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học.

Hội đồng khoa học này đã đi nghiên cứu ở 3 nước: Úc - nước có công nghệ khai thác hiện đại nhất thế giới, Brazil - địa hình, đặc tính mỏ giống Việt Nam và Trung Quốc - nơi có công nghệ chuyển giao cho Việt Nam. Đi đến đâu đều có quay phim, chụp ảnh và mang tài liệu về để thẩm định.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng tìm cách trấn an mọi lo lắng của dư luận về khả năng nước chảy vào hồ bùn đỏ, khả năng đứt gãy hay thẩm thấu.

Ông khẳng định Viện khí tượng thủy văn đã đo đạc, lường trước biến đổi khí hậu để không để nước tràn vào, Viện vật lý địa cầu cũng đã xác định độ động đất tối đa đến cấp 5, rồi Viện địa chất và khoáng sản đã theo dõi khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường cho hay, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đặt vấn đề đưa ra các giải pháp có khả năng vỡ hồ, vỡ hồ thì làm thế nào.

Hiện nay, đang yêu cầu TKV trong Báo cáo đánh giá tác động của môi trường đã dành ra một diện tích khoảng 50 hécta. Nếu hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50 hécta này phải chứa.

Ông cũng cho hay, hiện Bộ đang yêu cầu TKV phải xem xét và nghiên cứu để ra được giải pháp an toàn nhất, tuyệt đối không để cho bùn đỏ đầy tràn.

Nhắc lại quan điểm "chúng tôi đã thẩm định và đánh giá rất kỹ", Bộ trưởng nói tất cả các mặt phải được đảm bảo như địa chất, chất thải. Việc hồ chứa bùn đỏ ở trên cao nguyên, trên 700 mét so với mặt nước biển, vì thế, không đáng lo.

Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng quyết định lập tổ giám sát TKV thực hiện đúng theo những điều mà trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trước sự cố bùn đỏ Hungary, một đoàn sẽ đến nước này xem xét tất cả mọi vấn đề. Sau chuyến đi, sẽ rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường xem còn khâu nào còn hở và chưa chính xác, còn thiếu thì sẽ tiếp tục bổ sung.

ĐB Dương Trung Quốc: Chuyện "ván đã đóng thuyền"?

"Chưa thực sự an lòng" với phát biểu của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, ông Dương Trung Quốc đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, "thấp thoáng câu chuyện Vinashin, câu chuyện Thủ tướng không cho phép mà người đứng đầu vẫn thực hiện, vì thế không thể làm an lòng người dân được".

Ông Quốc khẳng định mối lo của các tầng lớp nhân dân là chính đáng, nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó các vị lão thành cách mạng có uy tín, các cựu quan chức, nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà chuyên môn am hiểu lĩnh vực này lên tiếng một cách có trách nhiệm, nêu ra những giải pháp tích cực có tình, có lý và sẵn sàng hỗ trợ cùng Chính phủ thực hiện tốt hơn chức năng của mình.

ĐB Dương Trung Quốc: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì trách nhiệm cũng phải cao nhất

Hơn nữa, mối quan ngại của người dân về dự án bôxít càng ngày càng có cơ sở. "Những ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và đầy tinh thần trách nhiệm của những người yêu cầu phải dừng hay xem xét lại dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên ngày càng nhiều về số lượng, càng có sức nặng thuyết phục về chất lượng. Trong khi đó trả lời các quan chức có trách nhiệm của Chính phủ lại càng bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại hơn về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro về sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài".

Trong thời lượng 7 phút cho phép, ông Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm về những vấn đề mà bản báo cáo của Chính phủ không đề cập tới, "nói đúng hơn là lẽ ra phải đề cập tới".

Ông đặt câu hỏi tính đến ngày hoàn tất báo cáo sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary đã diễn ra được nửa tháng, "sự cố đã xới một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm về sự an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế của dự án bôxít ở Tây Nguyên".

Ông Quốc nói: "Không lẽ Chính phủ, tôi dùng chữ "vô cảm" đến mức không hề đả động trong nội dung báo cáo trước Quốc hội và Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình trước hết để làm an lòng dân, sau nữa thể hiện tính nhạy bén và trách nhiệm giám sát thường xuyên của mình. Người dân quan sát thấy dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bôxít đã là chuyện "ván đã đóng thuyền".

Còn nguyên vẹn vấn đề an ninh quốc phòng

Theo ĐB Dương Trung Quốc, người từng gửi thư đến Chủ tịch QH trước kỳ họp đề nghị giám sát dự án bôxít, "những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng ở một không gian chiến lược như Tây Nguyên vẫn còn nguyên vẹn". Ngoài ra, còn phải kể đến an toàn môi trường, nhất là sau sự cố bùn đỏ ở Hungary.

Trong khi đó, ông Quốc nhận xét, dư luận chứng kiến những phát biểu ngày càng ít thuyết phục, thậm chí thiếu tự tin hơn của các quan chức có trách nhiệm hay những người ủng hộ dự án này. Theo ông, báo cáo của Chính phủ lẽ ra phải chủ động thể hiện quan điểm của mình để vừa thể hiện sự nhạy bén với thời cuộc, sự tôn trọng với dư luận, sự tự tin đối với chính kiến của mình, sự sẵn sàng đối thoại với những bức xúc của nhân dân trước hết là để an dân, sau nữa là cùng nhân dân tìm ra giải pháp tốt nhất vì lợi ích quốc gia.

Quốc hội đã phân tích và phê phán mạnh mẽ về sự cố Tập đoàn Vinashin, đã thẳng thắn phê bình Thủ tướng và Chính phủ nhưng sự tự phê phán của Quốc hội vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có mỗi đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì trách nhiệm cũng phải cao nhất.

"Bài học về sự đổ vỡ của Vinashin hoàn toàn có thể soi vào dự án bôxít nếu chúng ta ứng xử với Vinashin bằng sự buông lỏng quyền giám sát Quốc hội, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp của nhân dân không loại trừ sự lặp lại. Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bôxít nếu xảy ra liên quan đến vận mệnh của quốc gia".

Khẳng định nếu đặt lợi ích của dân tộc lên cao trên hết thì mọi khó khăn khắc nghiệt đều có thể vượt qua, có thể tìm thấy sự đồng thuận, đi đến những quyết định dũng cảm và sáng suốt, ông Quốc đề xuất sau khi cân nhắc kỹ lại một lần nữa, có thể dừng dự án bôxít để bàn bạc cho thấu đáo - điều không trái với lòng dân.

(Theo Vietnamnet)