Đây là bữa cơm chay tập thể lớn nhất và đông vui
nhất mà tôi từng thấy - bữa cơm ngày rằm tháng 8 âl ở Trai đường, Toà thánh Tây
Ninh. Ngày rằm tháng 8 Kỷ Sửu (2009), theo tổng kết sổ quyết toán hẳn hoi của
anh Phạm Tuấn Kiệt - phụ trách việc nấu cơm của Trai đường, là hết 7,5 tấn gạo.
Đấy là còn chưa kể tới 5.000kg bún và 26.000 ổ bánh mì. Còn rau củ quả… từ khắp
nơi đem đến, kể từ xa như Đà Lạt, gần như Long Hoa, Truông Mít, Trảng Bàng… thì
không thể nào đong đếm. Chỉ thấy lù lù từng đống rau hay từng đụn củ quả mà
thôi.
Cứ từ 7.500kg gạo mà suy, thì đã có khoảng
38.000 suất cơm đã được phục vụ cho khách thập phương, nếu mỗi suất tính 200g
gạo. Chia ra hai bữa, thì mỗi bữa cũng có độ 19.000 người ăn. Trong khi đó, nhà
ăn Trai đường tuy khá lớn với bề rộng là 16 mét, bề dài 54 mét, nghĩa là 865m2 diện
tích thì cũng không tài nào đủ chỗ. Xin giảp đáp ngay: Người ta đã phải dựng
thêm rạp ở chung quanh ngôi nhà chính. Và, ngoài những bàn đá kê sẵn trong nhà,
còn phải dồn dịch để kê thêm các bàn tròn. Vị chi, nhà ăn khi ấy phục vụ được
khoảng trên dưới 1.000 người. Vả lại, khách hành hương có thể ăn bất cứ giờ nào
trong ngày, kể từ 4 giờ sáng đến 9 - 10 giờ tối. Vậy mới hiểu vì sao cái nhà ăn
1.000 chỗ lại có thể phục vụ cho 38.000 người chỉ trong một ngày rằm tháng Tám.
 |
Bữa cơm chay ở Trai đường. |
Vâng! Năm nào cũng vậy. Rằm tháng 8 là đại lễ
Hội yến Diêu trì cung của đạo Cao Đài Tây Ninh. Về đại thể lễ hội thì nhiều
người đã biết. Các họ đạo cả nước về trưng bày quả phẩm dâng lên Phật mẫu ở hàng
ngàn m2 rạp dựng quanh ngôi
Báo Ân từ. Đêm rằm, Hội thánh tổ chức đoàn rước cộ bông Phật Mẫu cùng các tốp
múa tứ linh, nhạc lễ… trên sân Đại Đồng xã. Đến gần nửa đêm, sẽ có nghi lễ chính
Hội yến dâng lên Đức Diêu trì Phật Mẫu tại Báo Ân từ. Đại lễ hội này sẽ có hàng
ngàn người từ Bắc, Trung, Nam về tham dự. Vậy mới có Trai đường phục vụ cơm chay
cho bà con trong đại lễ này, cũng như trong đại lễ Vía Đức Chí Tôn ngày 9 tháng
giêng âl, Trai đường nấu ăn phục vụ khách hành hương suốt trong 3 ngày, kể từ 13
đến rằm tháng tám. Vậy nên không khí xung quanh khu vực có Trai đường cũng tất
bật và náo nhiệt không kém những nơi trang trọng khác. Luôn luôn có khoảng trên
500 người làm công quả phục vụ tại đây. Người lặt rau, gọt củ quả, người lo
những chảo nấu cơm, nấu một lúc nửa tạ gạo trên những miệng lò nghi ngút khói.
Và rất nhiều người phải chạy tất bật, san sớt, chuyển cơm canh đến tận các bàn
ăn. Cảnh tượng nhà ăn lúc ấy thật sôi động, vui nhưng trật tự. Chốc lát lại có
những thùng gỗ to lớn đựng cơm nghi ngút khói được khiêng trên vai những thanh
niên vạm vỡ. Chốc chốc lại có tiếng kêu lảnh lót: - Nước sôi, nước sôi
khi một tô canh nóng được bưng tới bàn ăn qua hàng chục bờ vai.
Hai vị Chánh và Phó Cai quản Văn phòng Ẩm thực
của Trai đường là Phối sư Hương Hân và Giáo sư Hương Vạn kể cho tôi nghe về vài
chục món ăn chay thường dùng trong bữa ăn đãi khách. Nào bí kho tàu hũ, hay củ
cải, mít kho; nào đậu côve hay bún, mì xào, rồi nào tàu hũ hoặc khổ qua chiên…
Canh cũng có tới dăm bảy loại như canh ngọt, canh chua, khổ qua hầm và cả món
lẩu chua. Nhưng thú vị vì ngon và giản dị bởi cách làm mà không bao giờ thiếu
trên các bàn tiệc chay, dù ở Trai đường dành cho khách muôn phương hay quý khách
được đãi trong toà Nữ đầu sư đường trong buổi chiều ngày đại lễ lại chính là
món… mắm.
Nữ Giáo sư Hương Vạn nói về cách làm món mắm
(tên đầy đủ là mắm đậu) như sau: hạt đậu nành đem ủ 3 ngày rồi đem quệt (giã
nhuyễn). Đem thứ đậu ủ và quết này kho chung với nấm rơm và trái khóm (dứa) kèm
thêm một vài gia vị như muối và rượu trắng (cứ 1kg mắm thì dùng 100g muối và một
chung rượu). Đến khi món nấu sánh đặc và có màu thẫm như màu trái chín bồ quân
thì được.
Thật xúc động làm sao, khi ta đến Trai đường vào
buổi trưa hay chiều tối ngày rằm tháng tám. Bát ngát là người ăn! Những nhóm
đông người ngồi ở bàn dài, những gia đình thì quần tụ quanh chiếc bàn tròn sạch
sẽ với ít ra cũng là 3 - 4 món. Bún trắng tươi, rau sống dưa leo xanh ngắt. Tô
mít kho mà mỗi miếng đều to và màu sắc đẹp giống hệt như từng miếng thịt heo kho
tàu màu mận chín. Cùng sóng sánh trong tô với mít còn ửng lên màu trắng hay vàng
của từng tai nấm và tàu hũ miếng. Và xin chớ quên món mắm đậu, dường như đang
khép nép ở góc bàn. Gắp một nạm bún, một lát dưa leo rồi quệt một chút mắm vô
đầu đũa là cái miếng ăn tuyệt đối ngon lành này sẽ tan ở đầu môi. Thảo nào, có
người từ tận tỉnh xa nhưng năm nào cũng lặn lội về dự hội Yến.
TRẦN VŨ