BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Bưng bít thông tin là không hợp xu thế'

Cập nhật ngày: 17/12/2009 - 05:56

 

Việc công bố tình trạng tài chính của một tổ chức tín dụng đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt được NHNN cho là sẽ gây đổ vỡ cả hệ thống.

Dự thảo luật quy định, không đưa ra công luận việc một tổ chức tín dụng nào đó được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Theo ban soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) thì việc không công bố tình trạng của tổ chức tín dụng đó nhằm hạn chế nguy cơ đổ vỡ hệ thống.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự án luật là Uỷ ban Kinh tế QH có quan điểm ngược lại.

Chủ nhiệm Uỷ ban Hà Văn Hiền nói, khi một tổ chức tín dụng đã  bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt thì không tránh khỏi việc rò rỉ thông tin từ nội bộ. Tin rò rỉ còn nghiêm trọng hơn.

"Việc công khai tin tức là để tạo sự tin tưởng của xã hội vào hệ thống kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lựa chọn thời điểm công bố vào lúc nào đó thích hợp nhất", Uỷ ban Kinh tế khuyến cáo.

Quan điểm của các ủy viên Uỷ ban Thường vụ QH về vấn đề này cũng trái chiều nhau.

Nghiêng về phía cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, "công khai thông tin là quan trọng nhưng bất kỳ một thông tin nào về tài chính, tiền tệ đều ảnh hưởng đến xã hội,  như chuyện sốt vàng, tỷ giá đôla vừa qua".

Theo ông Hiển, chỉ cần công bố tình trạng kiểm soát đặc biệt của bất kỳ tổ chức tín dụng nào thì dân sẽ ào đến rút tiền ngay.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách QH dẫn lại trường hợp ngày 9.12 mới đây, Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit) đã công bố bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam, và ngay lập tức đã "vấp" luôn phản ứng từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

"Tôi đồng ý là với trường hợp đặc biệt thì tổ chức tín dụng đó phải được đặt trong tình trạng đặc biệt nhưng không phải cái gì cũng công khai, minh bạch", ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cũng tán thành việc "không thể vung vãi thông tin" như vậy, nhưng ông cũng thận trọng hơn: "Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm chọn một thời điểm nào đó phù hợp để công bố thông tin, có thể công bố một mức độ nào đó thôi".

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định: "Kiểm soát đến một giai đoạn nào đó thì chúng ta cũng phải "nhả" thông tin ra thôi. Nhưng cần cân nhắc công bố trước hay là sau".

Tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói thẳng: "Thực tế là chúng ta không thể giấu thông tin được". Chính việc minh bạch thông tin, nhất là công khai dự trữ ngoại tệ chính là một trong những tác nhân dẫn đến thành công cho việc chống khủng hoảng tiền tệ, lạm phát và suy giảm kinh tế hai năm qua.

"Có những thời kỳ chúng ta không công khai về dự trữ ngoại tệ và nhiều thứ khác nhưng bây giờ thì không thể giấu được nữa. Vì có nhiều thứ ta không kiểm soát được", ông Hiền nói.

Ông khẳng định, thà rằng công khai bằng thông tin chính thống thay vì để cho thông tin ngoài luồng và tin đồn chi phối tâm lý xã hội.

"Bưng bít hoàn toàn là không phù hợp xu hướng hiện nay", ông Hiền khẳng định.

Nhắc lại vụ việc cách đây mấy năm rộ lên tin đồn Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại bỏ trốn, ông Nguyễn Văn Thuận (Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật QH) cũng phủ nhận quan điểm bưng bít thông tin.

"Nếu ta không nói thì thế nào dân cũng biết. Vậy như Uỷ ban Kinh tế khuyến cáo, nên cân nhắc thời điểm và liều lượng thông tin đưa ra", ông Thuận nói.

Cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật cũng tiếp tục tranh luận ở nhiều vấn đề khác.

Chẳng hạn, về việc có nên cho vay kinh doanh chứng khoán, đại diện NHNN cho rằng, cho phép NH thương mại hay chi nhánh NH nước ngoài cho vay kinh doanh chứng khoán thì mức độ rủi ro lớn. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế QH lại cho rằng quy định như vậy e quá chặt vì đây cũng là hình thức đầu tư thương mại thuần tuý.

Nên chăng, vẫn cho phép vay kinh doanh chứng khoán kèm theo các điều kiện và giới hạn cụ thể.

Một vấn đề khác gây tranh cãi đó là có nên cho phép các ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần từ các tổ chức tín dụng khác.

Dự thảo luận cấm điều này vì cho rằng, cần hạn chế sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng để phòng rủi ro.

Nhưng Uỷ ban Kinh tế QH kiến nghị, nên chăng vẫn cho phép sở hữu chéo, nhưng quy định giới hạn số lượng cũng như giới hạn tỷ lệ vốn.

Theo ủy ban này, hệ thống các tổ chức tín dụng VN đang phát triển, rất cần hoạt động mua bán, sáp nhập để thanh lọc, lành mạnh hoá hệ thống. Mặt khác, pháp luật cho phép NH nước ngoài nắm giữ cổ phần các tổ chức tín dụng VN để trở thành cổ đông chiến lược. Nếu cấm NH thương mại VN nắm giữ cổ phần các tổ chức tín dụng là tạo ra sự bất bình đẳng.

Dự thảo luật sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh trước khi QH thông qua vào kỳ họp thứ bảy.

Chưa đồng tình cơ chế đặc thù với NHNN

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được thảo luận tại phiên họp sáng 17.12.

Dự thảo quy định cho phép NHNN áp dụng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, chế độ, chính sách ưu đãi cán bộ để đảm bảo thu hút đội ngũ giỏi.

Lý lẽ mà NHNN đưa ra, đó là, NHNN vừa là cơ quan quản lý nhà nước, cũng lại là NH Trung ương thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tạo thu nhập cho ngân sách, đòi hỏi phải có đội ngũ chất lượng và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, UBTV không tán thành với "đòi hỏi" này vì nhiều ngành khác cũng đòi "đặc thù" như thuế, kho bạc, kiểm toán...

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói, "lấy lý do là hoạch định chính sách để lý sự đòi thêm tiền là không được. Mình có hoạch định chính sách gì đâu. Bí thư tỉnh ủy cũng sẽ nói nghề của tôi không phải nghề đặc thù à? Vậy lương của tôi thế nào?".

(Theo Vietnamnet)