Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2022)
Bước đột phá về chất trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Thứ năm: 19:02 ngày 03/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2022) cũng là thời điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang được cụ thể hóa, đi vào thực tiễn cuộc sống trong một giai đoạn phát triển mới.

Trong đó, nhiều giải pháp trọng tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được triển khai, với mục tiêu tạo thêm những “đột phá” để tự đấu tranh, loại bỏ tiêu cực, không ngừng làm trong sạch đội ngũ.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải  

Loại bỏ những tiêu cực, làm cho Đảng mạnh hơn

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 92 năm qua đã ghi dấu những thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Một trong những nguyên nhân có thể thấy rằng, Đảng đã rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng, về tổ chức và cả về đạo đức.

Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, từ khi bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Hội nghị T.Ư 3 (khoá VII) năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị T.Ư 6 lần 2 (khoá VIII) năm 1999 về một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay... Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.

Trong đó, sau những kết quả và kinh nghiệm bước đầu quan trọng khi tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI, Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII được coi là một “bước tiến mới”, tạo nên những luồng sinh khí mới. Như các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng đã nhận định, không né tránh, Nghị quyết đã chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó và đề ra các biện pháp để sửa chữa những biểu hiện suy thoái đó.

Đến Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII (Kết luận số 21-KL/TW của BCH T.Ư về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ) đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng) trong lịch sử xây dựng Đảng, chưa có giai đoạn nào chúng ta xử lý nhiều cán bộ, kể cả cấp cao như giai đoạn vừa qua và hiện nay. Nhiều vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã được đưa ra xét xử, công bằng, nghiêm minh. Cùng với đó, rất nhiều địa phương đã đưa ra các quyết định kỷ luật, trong đó có cả quan chức cấp cao nhất của tỉnh. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Đảng đã dám nói lên sự thật và triệt tiêu tận gốc đối với tệ tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Quyết tâm cao hơn

Trong dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng, việc chỉnh đốn Đảng, làm tốt công tác cán bộ - công việc “gốc” của Đảng tiếp tục được nhắc đến như một yêu cầu cấp bách, song hành cùng xây dựng Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Quan điểm, chủ trương này đã được Đảng chứng minh bằng thực tế, từ sau Đại hội XIII, nhiều quy định, chỉ thị, kết luận để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về nhiều mặt đã được ban hành. Cùng với Kết luận số 21-KL/TW là Quy định số 37-QĐ/TW của BCH T.Ư về những điều đảng viên không được làm; Quy định 41- QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ…

Kết luận số 21 được nhận định là quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Trong đó, T.Ư đặt ra yêu cầu tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm là giải pháp căn cơ, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không phải chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà "phòng, chống tham nhũng, tiêu cực". Tiêu cực ở đây nhiều lắm nhưng trọng tâm là chống suy thoái về phẩm chất chính trị, về tư tưởng, về đạo đức, lối sống, đây là cái gốc. Nếu anh đúng đắn, có đạo đức tốt, có tư tưởng chính trị tốt, thực sự vì dân, vì Đảng thì làm sao phải tham nhũng".

Cùng với đó là phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Nguồn kinhtedothi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục