BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7

Buổi họp cuối cùng của vị thủ trưởng

Cập nhật ngày: 28/07/2022 - 22:30

BTNO - Dù bụi thời gian có phủ lấp tới đâu, trong tôi vẫn in đậm hình ảnh ông Sáu Hùng– vị thủ trưởng tài ba mà tôi kính phục nhất. Lớp trẻ hôm nay và mãi mãi về sau sẽ ghi nhớ tên ông– một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngành Bưu điện Tây Ninh hiện đại như hôm nay.

Hồi ký của: Mai Lâm Thuận

Tháng 4, tháng 5 năm 1970 Mỹ nguỵ mở trận càn Đông Dương đánh phá ác liệt vùng Mỏ Vẹt biên giới Tây Ninh giáp Campuchia. Để bảo toàn lực lượng, Ban Giao bưu Tây Ninh phải chuyển sâu vào đất Campuchia.

Từ Bố Bà Tây về vùng bốt xếp Giông qua Tà Chót rồi về Mỹ Sang. Sau trận càn, tháng 6 năm 1970, các trạm giao liên trở lại bám trụ đất miền Nam xây dựng căn cứ khôi phục hành lang hoạt động bình thường. Còn văn phòng Ban Giao bưu vòng trở lại cắt qua quốc lộ 13 về đóng sát biên giới tại Phụm Pếch, xã Xâm Rôm, huyện Com Pông Trạch, tỉnh Soài Riêng (Campuchia). Căn cứ đóng tại nhà người dân Campuchia tên là Sol.

Gia đình ông Sol nghèo, chỉ có ba gian nhà sàn lợp tranh nhưng do chiến tranh vùng biên giới nên cả gia đình đã tạm thời rời đi nơi khác, nhường lại nhà cho văn phòng Ban Giao bưu đóng quân.

Vuông góc với căn nhà này và lùi ra vườn khoảng 20m, đơn vị cất thêm 2 gian nhà tranh chia làm đôi, một nửa làm bếp nấu ăn, một nửa có đóng bàn ghế cố định bằng cây mật cật dùng để ăn cơm và hội họp, xung quanh nhà được đào nhiều hầm hố tránh bom pháo, xa hơn một chút có đào nhiều hầm bí mật ở dưới các lùm cây bìa rừng.

Tối 14.1.1971, ông Nguyễn Văn Hùng (tức Sáu Hùng)- Trưởng Ban chủ trì cuộc họp triển khai tình hình công tác mới và chuẩn bị cho đơn vị ăn tết sớm để nhận nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Sau khi phổ biến tình hình địch và chủ trương của Tỉnh uỷ, ông Sáu nói tiếp: “Tết này Thường vụ cho chúng ta 2 hộp dầu, ta không có quyền chê đó là ít, giữa lúc chiến trường hết sức khó khăn này, bằng ấy cũng thể hiện tinh thần quan tâm chăm sóc của Thường vụ đối với chúng ta…".

Đoành! Một tiếng pháo địch nổ cách cuộc họp vài trăm mét. Mọi người giật mình nhớn nhác một hồi nhưng cuộc họp cũng nhanh chóng được ổn định và tiếp tục họp. Chuyện pháo bắn cầm canh như thế là thường tình ở chiến trường.

Xoẹt…Xoẹt… Đoành… Một tiếng pháo khác nổ chát chúa chỉ cách chỗ đơn vị họp vài chục mét kèm theo chớp lửa chói loà. Mọi người nhanh chóng xuống hầm. Tôi nhảy xuống chiếc hầm liền ngay đầu nhà, kế đến là chú Tư Râu rồi đến anh Trương Văn Thành.

Bỗng có tiếng chị Tám Liên kêu lên: “Chú Sáu bị thương rồi!”. Mấy người ở trên dìu ông Sáu xuống căn hầm đã có tôi và 2 người khác, lúc này thêm ông Sáu nữa là 4 người nên chật cứng. Ngọn đèn dầu nhỏ của cuộc họp đã bị pháo thổi tắt ngấm, thành ra trời cuối tháng tối đen như mực. Ở dưới hầm tôi nghe tiếng ông Sáu thở khẹc khẹc rất khó nhọc.

Tôi lách tay trườn qua chú Tư Râu, chạm tay vào ông Sáu, biết ông đang gục đầu vào vai anh Thành, sờ áo anh Thành thấy ướt đẫm nhớp nhớp, tôi đoán chắc đó là máu. Tôi lay lay và khẽ gọi: “Chú Sáu ơi! Có sao không?”, không có tiếng trả lời và lúc này tiếng thở khẹc khẹc cũng không còn nữa, ông đã tắt thở lúc 9 giờ tối ngay trên bả vai anh Thành, không một lời trăn chối.

Pháo địch dứt, từ dưới hầm chú Tư Râu gọi lên: “Kéo ông Sáu lên tụi bay ơi, ông Sáu chết rồi”. Mấy người ở hầm khác chạy sang xốc nách kéo, anh Thành từ dưới hầm đội lên, loay hoay một lúc lâu mới đưa được ông Sáu lên khỏi hầm, tạm đặt ông nằm trên chiếc ghế dài tại cuộc họp.

Ngọn đèn dầu le lói mới được thắp sáng trở lại. Bà Ba Giờ dùng khăn lau máu và đất cát trên người ông. Nét mặt mọi người căng thẳng và buồn rầu vây quanh ông chờ trời sáng. Trong màn đêm tĩnh mịch, những hàng cây xung quanh cũng ủ rũ đau buồn.

Sớm hôm sau, công việc đầu tiên là đi báo cho chính quyền địa phương và xin chỗ chôn cất ông Sáu. Nhờ biết bập bẹ vài tiếng Khmer, tôi tìm đến nhà trưởng ấp báo cáo. Nói bằng tay nhiều hơn nói bằng miệng, cuối cùng rồi ông cũng hiểu ra sự việc nhưng nhất quyết bắt đem về đất Việt Nam chôn chứ không cho chôn ở đất Campuchia.

Sau một hồi nài nỉ, cuối cùng ông trưởng ấp cũng đồng ý cho chôn ở đất Campuchia nhưng phải đem vào rừng sâu chứ không được chôn ngoài trảng vì đồng bào nhìn thấy rất sợ (ở Campuchia, người ta thiêu người chết chứ không chôn như ở Việt Nam).

Tôi chạy về báo cáo đơn vị, anh em bàn bạc phải làm một cỗ quan tài để khâm liệm. Chả nhẽ chôn cất vị thủ trưởng mà lại chỉ bó bằng tăng, võng thì khó coi quá. Nhưng tìm ván đâu ra mà đóng quan tài? Ở nơi hẻo lánh đất Campuchia này, có ai bán loại hàng đặc biệt này mà mua? Nếu có người bán thì thật tình lúc đó cũng không thể có đủ tiền để mua một cỗ quan tài- dù là rẻ nhất.

Tôi đạp xe đi chừng 3 cây số đến chùa Tà Phệt, đây là một ngôi chùa lớn do đồng bào Khmer cất nhưng đã bị pháo địch bắn sập, sư sãi và đồng bào bỏ đi sơ tán, cảnh vật hoang tàn.

Tôi trèo lên căn nhà sàn mà trước đây sư sãi thường dùng để ăn cơm, cố gắng lắm mới cạy được một số vạt của sàn nhà bằng gỗ dài và to hơn vạt giường, chở ván về đơn vị, anh em xúm lại đo, chặt, đẽo, đóng một hồi cũng tạo được một hình hộp ghép bằng đinh cũ và dây kẽm chặt khúc đập nhọn đầu.

Sau khi đặt thi hài ông Sáu vào, thấy quan tài còn quá rộng, cứ để vậy mà khiêng thì sẽ bị vỡ dọc đường, anh em phải dùng rơm nhét vào cho chặt và chằng thêm lạt ở ngoài.

Sau khi đắp mộ xong, anh Ba Lang điều khiển mọi người xếp thành hàng dọc đứng mặc niệm, bắn 5 phát súng để vĩnh biệt người thủ trưởng thân tín của mình.

Cục diện chiến trường mỗi ngày một tiến triển, chúng tôi chuyển căn cứ về chiến trường miền Nam, bỏ lại ông Sáu Hùng một mình nằm trong rừng vắng nơi đất khách quê người.

Rồi chiến tranh cũng qua đi, mới đấy mà đã 51 năm kể từ ngày ông Sáu về cõi vĩnh hằng. Công tác và đời sống có nhiều bộn bề, song, trong tôi lúc nào cũng mang theo hình ảnh ông Sáu Hùng– vị thủ trưởng trạc 50 tuổi mà cả cuộc đời đã cống hiến cho hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Tôi đã trực tiếp làm trợ lý cho ông được 2 năm, học tập được nhiều phong cách làm việc của ông, ông thường hướng dẫn, chỉ bảo cặn kẽ từng chi tiết nhỏ cho chúng tôi. Đặc biệt ông rất bình tĩnh xử trí những lúc nguy nan. Trước trận càn có người con gái của ông tên là Thuỷ chừng 15 tuổi từ vùng ấp chiến lược tìm lên căn cứ thăm ông, gặp địch càn tới, Thuỷ không về được phải chạy theo đơn vị.

Trong cảnh náo loạn của trận càn, không may Thuỷ bị lạc đơn vị. Mặc dù rất lo lắng và thương con phải bơ vơ nơi đất khách quê người lại đang có chiến sự, song ông cố nén nỗi buồn, mưu trí hướng dẫn đơn vị thoát khỏi vòng vây của địch. Có lần ông đã tâm sự: Tôi không sợ con tôi chết, chỉ sợ nó lọt vào tay địch bị nhồi sọ rồi sau này trở thành kẻ phản lại Tổ quốc. Có ngờ đâu kỳ gặp con gái lấn ấy là lần cuối cùng.

Ông Sáu là người lãnh đạo rất giỏi lý luận chính trị, hồi tháng 10.1969, B20 có hai chiến sĩ đào ngũ, cả đơn vị cho là 2 anh đã đi chiêu hồi nên rất hoang mang dao động. Ông trực tiếp triệu tập B20 họp, sau một hồi phân tích tình hình ta và địch, xác định lại tư tưởng lập trường cho cán bộ chiến sĩ B20, sau cuộc họp không khí đơn vị thay đổi hẳn, mọi người phấn khởi tin tưởng yên tâm nhận nhiệm vụ.

Ông là một cán bộ ở lại miền Nam bám trụ kháng chiến chưa bao giờ ra miền Bắc nhưng nhiều lần trò chuyện, tôi rất ngạc nhiên thấy ông tỏ ra rất am hiểu tình hình nhân dân miền Bắc.

Trong cuộc sống hằng ngày, ông là người rất giản dị và thương yêu cấp dưới. Dù đời sống thiếu thốn nhưng ông vẫn dành tiền phụ cấp ít ỏi của mình mua trà, thuốc để đón tiếp cán bộ các trạm mỗi khi về văn phòng báo cáo tình hình. Có thời kỳ đơn vị thiếu gạo, anh em ăn đói, ông động viên từng người và tự mình ăn ít đi để nhường cơm cho anh em ăn. Trong giao tiếp hằng ngày ông rất tế nhị, với nghệ thuật kể chuyện vừa rất li kỳ, vừa khôi hài mà mang tính giáo dục cao. Ông thực sự là người lãnh đạo giỏi và là trung tâm đoàn kết trong đơn vị.

Năm 1984, đơn vị đã tổ chức cất bốc hài cốt ông Sáu Hùng về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).

Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Dù bụi thời gian có phủ lấp tới đâu, trong tôi vẫn in đậm hình ảnh ông Sáu Hùng– vị thủ trưởng tài ba mà tôi kính phục nhất. Lớp trẻ hôm nay và mãi mãi về sau sẽ ghi nhớ tên ông– một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngành Bưu điện Tây Ninh hiện đại như hôm nay.

M.L.T