Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Buồng khử khuẩn sử dụng nhiệt và phun sương làm sạch toàn thân, là giải pháp khử khuẩn hiệu quả ở cơ quan, hội nghị, nơi đông người.
Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, chiều 23/3 cho biết Việt Nam hiện đã áp dụng nhiều biện pháp khử khuẩn để phòng ngừa Covid-19, như vệ sinh tay, lau chùi các bề mặt hay tiếp xúc. Tuy nhiên, trên cơ thể như da mặt, cổ, áo quần... đều có nguy cơ mang virus. Xuất phát từ thực tế này, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường kết hợp cùng Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu tạo ra buồng khử khuẩn toàn thân.
Hệ thống khử khuẩn toàn thân bao gồm 2 buồng. Buồng khô khử khuẩn bằng nhiệt và ozone. Buồng ướt khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn.
"Mọi người đi qua buồng khô có nhiệt độ ở mức 40-45 độ C sẽ khiến các bề mặt trên cơ thể và cả áo quần se lại. Khi qua buồng ướt, các hạt ion hóa và nano bạc giúp thẩm thấu kỹ hơn, làm tăng hiệu quả khử khuẩn", ông Hải nói.
Hiệu quả khử khuẩn của buồng khô là 70%. Khi qua buồng ướt, hiệu quả khử khuẩn tăng lên 99,99%. Hệ thống khử khuẩn toàn thân này giúp giải quyết bài toán khử khuẩn ở quần áo, vùng da hở và xoang mũi, miệng.
Ông Hải nói về chế tạo buồng khử khuẩn, chiều 23/3. Ảnh: Thanh Hải.
Chế tạo thành công phiên bản mẫu, để thiết bị kịp thời được ứng dụng trong cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phối hợp doanh nghiệp, tối ưu hóa và đưa vào sản xuất nhanh chóng sản phẩm. Một số lượng nhỏ buồng khử khuẩn đã được đặt ở các cuộc họp tại Hà Nội. Sắp tới, sẽ được đặt ở các bệnh viện. Giá thành cho một buồng khử khuẩn khoảng 65-70 triệu đồng.
"Buồng khử khuẩn toàn thân này sẽ là giải pháp khử khuẩn hiệu quả cho các cơ quan, hội nghị", ông Hải nói.
Một số bệnh viện ở TP HCM cũng đã sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân ngừa Covid-19. Tại Viện Y Dược học Dân tộc TP HCM, có khoảng 1.000 người đến khám chữa bệnh mỗi ngày, chủ yếu là người lớn tuổi. Người bệnh tới cổng viện được hướng dẫn rửa tay sát trùng, bước vào buồng khử khuẩn trước khi vào khu vực bệnh viện. Tất cả nhân viên y tế của viện cũng được yêu cầu khử khuẩn, trước và sau khi vào khám bệnh.
Đây là sản phẩm do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ thuộc Thành Đoàn TP HCM phối hợp với các chuyên gia Trường Đại học Bách khoa TP HCM nghiên cứu, chế tạo. Thiết kế của buồng gồm cảm biến phát hiện người, có đèn tín hiệu, hệ thống phun siêu âm tự động 360 độ, không gây ướt, cho phép khử khuẩn nhanh toàn bộ cơ thể trong vòng 30 giây.
Buồng cũng có các bánh xe thuận tiện di chuyển và dễ dàng tháo lắp, vận chuyển, có đường lên xuống cho dành cho người đi xe lăn. Buồng tự động dừng phun khi không có người sử dụng.
Buồng khử khuẩn tại Viện Y Dược học Dân tộc TP HCM. Ảnh do viện cung cấp.
Ngày 23/3, Bệnh viện Quốc tế DNA cũng lắp đặt buồng khử khuẩn di động với công suất khử khuẩn 1.000 người mỗi ngày. Hoạt động này được tiến hành bên cạnh việc xịt khử khuẩn toàn bệnh viện, đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang toàn nhân viên và bệnh nhân...
Dung dịch khử khuẩn mà buồng sử dụng là anloyte được cơ quan y tế trong và ngoài nước cho phép sử dụng trong việc sát trùng chống lại các vi khuẩn, virus, nấm mốc, khử độc sinh học, rửa tay, sát trùng dụng cụ y tế..., không ảnh hưởng tới sức khỏe hay tổn thương da, tế bào. Muối ion trong buồng khử còn giúp khách hàng có thể sát trùng cả mũi và họng.
Nguồn VNE