BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bưu chính truyền thống: Chòi đạp giữa thời tin học

Cập nhật ngày: 23/04/2010 - 05:39

Từ thập niên 90 trở về trước, gửi thư, điện tín là những phương tiện liên lạc chính trong xã hội. Những năm về sau, với sự phát triển của tin học, các phương tiện liên lạc hiện đại như nhắn tin, điện thoại, mail, chat, thư điện tử... đã dần dần thay thế những cánh thư truyền thống. Trước thực tế đó, ngành bưu điện đã phải tìm cách để tự cứu chính mình.

Còn nhớ, những năm 1990, ở các trụ sở bưu điện hầu như lúc nào cũng có khá đông người đến gửi thư, mua tem thư, phong bì hoặc gửi điện tín. Thế nhưng, khi hầu hết các gia đình đều có điện thoại bàn, rồi tiếp theo người người đều mua máy vi tính, máy điện thoại di động, số người đến bưu điện để gửi thư cũng thưa dần. Bạn bè, người thân ít còn ai thăm hỏi nhau bằng những lá thư qua đường bưu điện nữa. Thay vào đó, chỉ cần nhấc máy “alô” hoặc mail, chat vừa tiện, vừa nhanh.

Nhiều khách hàng đến Bưu điện giao dịch, nhưng ít người gửi thư

Mừng cho xã hội ngày càng phát triển, người dân ngày càng được hưởng thụ nhiều tiện ích. Nhưng mỗi khi nhìn thấy những lá thư cũ, hẳn nhiều người không khỏi bồi hồi tiếc nuối khi không còn cảnh ngồi nắn nót từng dòng thư hay nôn nao xúc động khi nhận được một phong thư từ phương xa gửi đến.

Mấy ngày gần đây, tôi thử đến một vài điểm bưu điện trong tỉnh để tìm hiểu thực tế thì thấy vẫn còn nhưng rất ít- chỉ một vài người đến mua tem, bao thư. Những người còn sử dụng hình thức liên lạc như vậy chủ yếu là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc thân nhân, học sinh gửi thư thăm, chúc Tết các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài biên giới, hải đảo.  

Trao đổi với chúng tôi về hoạt động bưu chính, anh Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc Bưu điện Tây Ninh cho biết: Ở những thập niên 70 – 90 thế kỷ trước, ngành bưu chính phát triển mạnh nhất. Nhưng đến năm 2005, khi công nghệ thông tin phát triển và năm 2006, khi dịch vụ internet ra đời thì đã thay thế dần hoạt động của bưu chính truyền thống. Năm 2008, ngành bưu chính càng gặp khó khăn hơn khi tách bưu chính với viễn thông ra thành hai cơ quan độc lập. Bưu điện Tây Ninh phải sắp xếp lại toàn bộ bộ máy quản lý, nhân lực, cơ sở vật chất... Mặt khác, trong lĩnh vực vận chuyển bưu kiện, bưu phẩm, xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh như xe đò, xe buýt. Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có hơn 60 công ty tham gia hoạt động vận chuyển bưu kiện, bưu phẩm. Chỉ tính riêng năm 2008, Bưu điện Tây Ninh bị lỗ 10 tỷ đồng, năm 2009, lỗ tăng lên 12 tỷ đồng. 

Tuy nhiên với bề dày truyền thống hơn 64 năm, mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến xã, phường và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí phần bưu chính công ích, Bưu điện Tây Ninh vẫn cơ bản phát triển được những dịch vụ công ích như phát hành báo chí, dịch vụ đưa thư. Mặt khác, Bưu điện Tây Ninh đang chú trọng công tác đào tạo lại và đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ, công nhân viên để ngang tầm với nhu cầu của thời đại mới. Đồng thời ngành cũng mở rộng kinh doanh đa dạng, phát triển thêm các dịch vụ: thu hộ, chi hộ tiền điện nước, bảo hiểm; nâng cao các dịch vụ điện hoa, tiết kiệm bưu điện, thu nợ cước viễn thông; thêm nhiều dịch vụ mới như bán vé máy bay, bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bán thẻ viễn thông qua tin nhắn, dịch vụ quà Tết, quà Noel...

Đại Dương


 
Liên kết hữu ích