Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bước vào tháng bảy, cứ tầm giữa trưa cho đến xế chiều là mây đen bao phủ, rồi gió thổi ù ù, mưa tuôn xuống ào ào. Xưa kia, tháng bảy cánh đồng quê tôi đã chấm dứt mùa cày cấy. Những đám ruộng gò, đất cứng khó làm nhất cũng đã cấy xong.
Một cây lộc vừng mọc trên bờ rạch.
Những đám ruộng lầy gần sông rạch cấy trước, lúa bén rễ ăn phân, gặp nước mưa mát mẻ thi nhau nở bụi nghe “rẹt rẹt”. Cùng với sự phát triển của lúa, rau hẹ, rong cây, bông súng non ở những chỗ sâu trũng cũng bắt đầu ngoi bùn đất vươn lên.
Mưa nhiều, ruộng nhiều nước, cá đồng từ sông rạch rủ nhau vào ruộng lúa sinh sống. Cá nhiều, thức ăn trong tự nhiên dưới ruộng không đáp ứng đủ nhu cầu nên chúng thường bị đói và háu ăn mồi. Thế là những “cần thủ” như anh em tôi đắc lợi.
Tháng bảy còn giữa mùa nghỉ hè. Hồi ấy, nghỉ hè là học sinh được nghỉ học suốt ba tháng, nhờ vậy anh em tôi rộng rãi thời gian câu cá, hái rau sông. Câu cá, hái rau đối với anh em tôi không phải trò thư giãn lúc nghỉ hè, thích thì đi, không thì thôi.
Đây là công việc mà anh em tôi thấy cần phải làm trong dịp hè để vừa cải thiện bữa ăn, vừa có tiền dành dụm mua quần áo, nón, dép, giày, sách vở... cho ngày tựu trường năm học mới. Vì vậy dù có mưa dầm (trừ những ngày mưa to, gió lớn), chúng tôi cũng mặc áo mưa, đội nón lá ra đồng câu cá, hái rau.
Hồi đó, vừa được nghỉ hè là anh em tôi lại nài nỉ ba mua tre về chẻ, vót cho mỗi đứa một trăm cần câu cắm, rồi mua lưỡi câu “cá rô” (lưỡi câu nhỏ vừa miệng cá rô) về cột vào cho anh em tôi đi cắm. Buổi sáng, sau khi lót lòng vài chén cơm nguội, anh tôi vác cuốc, còn tôi xách hai cái gáo dừa ra khu đất đồng người ta bỏ hoang đào trùn sành làm mồi câu cá.
Để có đủ trùn móc mồi, chúng tôi phải thay phiên nhau đứa đào, đứa bới đất ra lượm trùn cho vào gáo cũng gần một buổi sáng. Cơm nước xong, tầm 12 giờ là chúng tôi mỗi đứa mang một trăm cần câu, gáo đựng mồi (trùn) và đụt thẳng tiến ra đồng ruộng. Tất nhiên là không quên mang theo nón lá, áo mưa... Ra đồng, anh em tôi lựa những đám ruộng nào đoán biết có nhiều cá mà chia hướng ra đi cắm câu.
Thả câu xong, trong thời gian chờ cá ăn câu, chúng tôi lựa một chỗ gò đất cao (nếu chỗ nào có cái chòi thì càng tốt) để đụt và gáo mồi, rồi đi tìm rau sông mà hái. Tuỳ theo chỗ đi câu và để đổi bữa ăn hằng ngày, có hôm anh em tôi nhổ rau hẹ, có hôm nhổ bông súng non, đôi khi nhổ rong cây. Đó là những loại rau mọc trong bùn đất dưới mặt nước và chỉ để ăn sống. Khi muốn cho cả nhà ăn canh, hoặc rau luộc trước khi đi cắm câu, chị hai dặn anh em tôi nhớ đem theo cái lưỡi liềm để cắt chuối nước (nấu canh chua), hoặc cắt rau chạy (rau choại), rau mốp (hai loại này chỉ luộc, hoặc nấu canh)... Cũng có khi chị dặn anh em tôi chiều về nhớ hái một mớ rau vừng (lộc vừng), đọt trâm ổi, rau câu... (các loại rau này mọc trên bờ rạch) là biết chiều hôm đó, chị cho cả nhà đổi bữa bằng bánh xèo, hoặc bánh tráng thay cơm.
Hái rau một chập, độ chừng đủ cho cả nhà, chúng tôi quay lại gò đất chỗ để đụt và mồi rồi mang đụt, xách gáo mồi đi thăm câu. Thăm câu lần đầu, do thời gian chờ đợi hơi lâu (trong lúc chúng tôi đi hái rau) và nhất là gặp luồng mới (chỗ mới cắm câu lần đầu) nên thường cá dính nhiều, hầu hết là cá rô đồng, ngoài ra cũng có một ít cá chạch, cá trê, cá tràu. Thăm gỡ cá, móc mồi cắm trở lại xong, chúng tôi cũng trở về gò đất, hoặc chòi ruộng (nếu may mắn gặp ruộng có chòi do nông dân cất trong mùa cày cấy) nghỉ ngơi chờ cá cắn câu rồi lại đi thăm tiếp. Cứ như vậy cho đến xế chiều. Càng về chiều, nhất là những ngày mưa dầm, cá dạn vô bờ, cá rô, cá trê, cá tràu dính câu. Nhiều khi trúng mánh, chúng tôi còn câu dính được những con cá lóc ăn mồi chuyền (cá tràu ăn con cá rô dính câu) thế là một cần câu dính được hai con cá, mà có một con thật “ngon lành”. Đến khi mặt trời sắp lặn, chúng tôi thăm câu và móc mồi lần cuối rồi cắm lại ruộng để qua đêm, cho đến khuya mai mới trở ra đồng cuốn câu, gỡ cá đem về.
Hai trăm cần câu cắm để dầm qua đêm ngoài ruộng, chiều tối về anh em tôi chỉ mang chiếc đụt nằng nặng trên vai. Ngoài ra, chúng tôi còn lật ngửa nón lá ra bưng mớ rau sông về nhà. Về tới nhà, chị hai tôi đổ cá ra thau mà lựa. Có cá tràu bự, cá rô mề, cá trê còn khoẻ mạnh chị bỏ vào lu rọng lại để sáng mai đem bán. Còn cá chết, cá nhỏ chị làm thịt chế biến món ăn. Cũng tuỳ theo loại rau sông chúng tôi hái về, chị kho, chiên, hay nướng, hoặc nấu canh cá cho phù hợp. Số tiền bán cá, chị hai đưa hết cho ba cất giữ.
Hết mùa nghỉ hè, cũng hết mùa cắm câu cá rô đồng trên ruộng lúa đang phát triển (có nhà văn gọi lúa đang thời con gái). Đầu tháng chín, mùa tựu trường đã đến, trong khoản chi phí trang phục, sách vở, dụng cụ học tập và học phí của anh em tôi, ngoài phần lớn tiền mồ hôi, công sức của ba đi làm mướn, còn có một phần công sức của anh em tôi...
T.L