Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Báo Tây Ninh
Cả nhà mê lân...
Chủ nhật: 23:05 ngày 01/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ban đầu thấy múa lân là lạ, đòi mẹ dắt đi coi. Coi rồi đâm mê, về nhà hở ra lại lén lấy nồi xoong đũa cả đũa con - bất cứ thứ gì có thể gõ ra tiếng bùm bùm bum bum - ra sân tập múa.

1. Nhà chỉ có mình anh Năm con trai. Mẹ lúc nào cũng đau đáu lo xa: người ta có anh có em không ai dám đụng; chứ nhà mình có một thằng, người ta coi mặt ăn hiếp...Mẹ thuyết phục ba đồng ý cho anh Năm đi học võ. Lò võ hơi xa, thêm cái tính anh Năm “chết nhát” nên dùng dằng mãi không đi. Mẹ năn nỉ: kệ, chịu khó chút con. Ráng học đặng biết ít đòn thủ thân, còn lo bảo vệ em út trong nhà…. Anh Năm nghe, đi học.

Hơn tháng đầu anh rất hứng thú luyện tập. Anh treo bao cát sau hè, đeo găng tay đấm đùng đùng, bịch bịch. Mấy đứa em thấy lạ, háo hức theo dòm vẻ rất ngưỡng mộ ông anh. Mẹ thì khỏi nói, mãn nguyện ra mặt khi nhìn cảnh ông con quý sắp thành… võ sĩ tới nơi. Chợ búa hằng ngày mẹ luôn nhớ tăng phần bồi dưỡng riêng cho anh Năm ăn có sức mà luyện võ.

Đùng đùng bịch bịch được hai tháng thì không nghe tiếng anh ngày ngày “ăn thua” với cái bao cát. Đi học về, anh chuyển qua tập nhảy, phi, uốn, lượn. Ba ngạc nhiên:

-Mày tập võ kiểu gì sao tao coi giống tập… múa lân?

-Dạ, thì là… múa lân đó ba! Lò võ con có đội múa lân. Năm nay, thầy cho con gia nhập đội lân. Ổng kêu con tướng đẹp, lại có năng khiếu múa lân nên…

-Bậy bạ! Tao cho múa lân hồi nào mà đi?

-Nhưng con thích! Mỗi năm tập với múa chừng một tháng thôi ba.

-Tao biểu dẹp là dẹp, không lân bộng gì ráo, nghe chưa! Muốn học võ thì học cho tử tế, không học nữa thì về! - ba tôi nổi điên.

Anh Năm chảy nước mắt, chạy đi tìm mẹ, “cầu viện” mẹ thuyết phục ba. Vô phương. Nghe nói ba hồi trẻ cũng mê lân, từng là một “lân thủ” có hạng chuyên tham gia đội lân của làng mỗi dịp Tết hoặc Trung thu. Con nhà tông, anh Hai lúc còn sống cũng mê lân không kém gì ba. Trung thu năm đó đội lân của anh Hai trên đường sang múa giúp vui xã bên rủi ro bị tai nạn giao thông.

Chiếc xe tải mất lái, bất ngờ đâm sầm vô giữa “đội hình” khiến anh Hai bị thương nặng, mất trên đường đi cấp cứu. Ba “rửa tay gác kiếm” từ đó, mỗi lần nghe tiếng trống lân tùng tùng qua ngõ là sầm mặt, quay lưng. Mẹ biết ý nên giờ cho kẹo cũng không dám mở lời cùng ba “điều ước” của anh Năm. Mẹ dỗ: thôi, chịu khó học võ, đừng lân bộng chi cho rầy rà con. Ba mày hồi đó tới giờ ổng vẫn đau vụ thằng Hai, hết cách rồi…

2.

Anh Năm lớn, lấy vợ, sinh con. Giấc mơ võ sĩ của mẹ trông cậy vào anh từ lâu đã cáo chung bởi anh tuyên bố không mặn mà chi với mấy trò đấm đá. Anh thú thiệt: Đi học võ chỉ là cái cớ để được tập múa lân. Bị “cấm cửa” múa lân, anh cũng không còn động lực, bỏ luôn chuyện tập tành võ nghệ.

Võ đã vậy, còn văn anh Năm cũng chẳng khá. Học hành “hên xui” lấy được, chưa hết lớp 9 đã… cãi lộn với thầy bỏ ngang chuyện học. Ba mẹ nài nỉ đi học lại cách mấy anh cũng nhất định không. Kết quả, nhà mình anh thành nông dân trong khi em út đứa nào cũng đàng hoàng bằng cấp. Anh Năm hận cái dại của mình ngày xưa, thề quyết sửa sai, không để lịch sử âm u lặp lại. “Đối tượng sửa sai” chính là… thằng Tí con anh.

Cu Tí năm nay mười lăm tuổi, lớp 9. Học tập, đạo đức không đến nỗi nào nhưng anh Năm luôn mắt dơi mắt chuột quản ngày canh đêm. Anh bảo: con trai tuổi này thường lắm chuyện, sểnh là sinh hư, tao nghe ti vi nói vậy. Anh quát vợ: bà làm gì làm, lo để mắt tới thằng Tí giùm tui. Nó mà nghe bạn rủ rê bỏ học chơi nhông là tui… đánh luôn cả bà.

Giờ thì anh Năm rất “thống nhất ý chí” cùng ba tôi trong chuyện nhìn những đoàn múa lân bằng con mắt ghét bỏ. Mỗi mùa Trung thu, nghe tiếng trống lân lùng tùng đầu trên xóm dưới hay tiếng con nít phụ hoạ hò reo anh luôn nhăn mặt: ngày nào cũng lân, sáng lân chiều lân, không để tụi nhỏ học hành. Hay ho cái gì vậy không biết…

3.

Khổ thân cho anh Năm, thằng Tí chắc cũng (trời sinh) giống cha, mê lân như điếu đổ!

Ban đầu thấy múa lân là lạ, đòi mẹ dắt đi coi. Coi rồi đâm mê, về nhà hở ra lại lén lấy nồi xoong đũa cả đũa con - bất cứ thứ gì có thể gõ ra tiếng bùm bùm bum bum - ra sân tập múa. Múa một mình chưa đã, chàng còn hú hí thêm bạn bè tới nhà bẻ cây làm gậy Tề Thiên, tô bút màu lên bìa làm mặt nạ Trư Bát Giới hay lấy gối bông độn bụng làm ông Địa.

Chị Năm đi làm nửa buổi về thấy nhà cửa tan hoang, nháo nhào như cái chợ nổi điên hét, đuổi. Đuổi thì… đi, làm gì dữ?! Lũ nhỏ dắt nhau lên cái chùa gần nhà “bày trận”. Sư thầy nghe ồn, ra kêu cả bọn vô hiên chùa cho… xơi lộc Phật: chuối, bánh tùm lum. Sư hỏi: đứa nào muốn học múa lân nói sư nghe? Đương nhiên anh cu Tí giơ tay đầu tiên. Chùa có đoàn lân phật tử, Trung thu nào cũng đi múa khắp trong ngoài xã.

Anh Tí dự “khảo thí” với mấy đứa kia may mắn được lọt vòng “sơ tuyển”, cho vô đoàn giữ chân “Tề Thiên”… dự bị. Anh trưởng đoàn dặn: tối tối phải siêng lên chùa tập đặng nhảy nhót lộn nhào cho quen, múa mới mềm mại.

Sắp tới rằm tháng Tám âm lịch. Đêm đêm hễ nghe tiếng trống lân là “Tề Thiên” Tí lén trốn mẹ ba chạy u lên chùa. Tập…

*

Riết rồi anh Năm cũng phát hiện. Anh nổi trận lôi đình tưởng đâu nhà sắp sập. Thôi rồi lại lân với bộng, đêm nào cũng đi bỏ học bỏ hành. Điệu này mai mốt chắc… mang cái đầu lân đi ăn mày! Bà lên chùa gô cổ nó về giùm tui! Chị Năm cãi: Gì mà lớn chuyện, chùa gần bên nhà, nó tập xong khắc về. Trẻ nhỏ mà, ba bữa Trung thu để nó chơi cho vui. Vui mới chịu học… Anh Năm không chịu, nhất định bắt lôi anh cu Tí về bằng được.

Tối tối anh chốt cửa nhà, ngồi lù lù ngoài cổng canh (như canh tù) cho tới lúc những hồi trống lân lùng tùng tứ phía đã vãn mới thôi. Thằng Tí cũng ngoan, thấy ba làm dữ nó đành ru rú trong nhà, học bài làm bài xong thì thơ thẩn ra vô; hết dòm trần nhà coi thạch sùng bắt muỗi lại quờ tay như cái máy tắt mở ti vi; thi thoảng còn buông tiếng thở dài khiến chị Năm nghe mà nẫu ruột…

4.

Rằm tháng Tám.

Anh chị Năm có việc sang ngoại từ sớm, giao anh cu Tí cho bà nội quản. Nghe cái mệnh lệnh ấy, Tí ta mừng ra mặt. Cả nhà chỉ mỗi mẹ tôi cưng thằng cháu quý nhất. “Đích tôn” mà! Xưa mẹ cưng anh Năm ra sao thì giờ cu Tí lãnh phần y chang vậy. Suốt buổi, cu Tí cứ cà rà theo to nhỏ cùng bà nội. Chuyện gì thì chỉ có hai bà cháu biết. Rù rì miết - cho đến khi nội miễn cưỡng gật đầu…

Tối đó, anh chị Năm về nhà thấy “mất” thằng Tí.

Hỏi bà nội, nội hốt hoảng:

-Nó… xin tao qua bạn chơi chút mà sao giờ chưa về hổng biết?

Anh Năm quát:

-Trời ơi là trời, tui nói rồi, ai biểu má cho nó đi? Nó theo lân luôn rồi chớ bạn bè gì.

-Thì tao… thấy bây nhốt nó ở nhà hoài nên tao… không nỡ…

-“Không nỡ”, “không nỡ”! Giờ má thấy hậu quả chưa? Chuyến này lôi được nó về chắc tui phải… xích lại mới yên.

Chị Năm trợn mắt:

-Ông nuôi con hay… nuôi chó mà nay đòi xích mai đòi xích? Gì cũng phải bình tĩnh, chắc nó mê chơi đâu đó lát sẽ về thôi…

Cả nhà ngồi đợi. Cơm nước dọn ra không ai buồn ăn. Thấp thỏm.

Trời dần sập tối. Trăng rằm Trung thu như cái đĩa to vàng ruộm từ từ nhô lên phía đằng Đông. Tứ phía xóm thôn lùng tùng rộn rã tiếng trống lân. Trống càng rộn lòng mọi người càng nóng như lửa đốt. Vẫn không thấy bóng thằng Tí. Anh Năm không đợi được nữa, khoác áo dắt xe chạy vòng nhà mấy đứa bạn thằng Tí thường chơi trong xóm. Giờ này làm gì có đứa nào ở nhà.

Tất cả chúng đang đổ ra đường nhảy nhót hò reo, rồng rắn theo đuôi các đám lân. Anh lại hộc tốc ra đường, sục sạo theo đuôi, dòm ngó sắp lượt các đám múa lân. Không thấy thằng Tí trong đám khán giả, còn các “lân thủ” thì… thua, làm sao biết sau mấy cái mặt nạ hoá trang kia đứa nào là đứa nào? À, hay nó… lên chùa? Anh Năm quay xe vù thẳng hướng cổng chùa, cố bám víu niềm hy vọng mong manh sau chót.

Nhưng niềm hy vọng ấy tắt ngấm ngay khi anh nhìn thấy cảnh chùa bên trong lặng trang, không có bóng đứa nhỏ nào thấp thoáng. Thẫn thờ, anh quay về nhà vừa đi vừa thườn thượt thở ra, bàn chân nhấn pê-đan xe nặng như đeo đá…

*

Giờ thì tới lượt ba chì chiết:

-Cháu hư tại bà, cũng tại bà gây chuyện không, ai biểu bà cho nó đi??

Mẹ gần như sắp khóc:

-Thì tui thương cháu, cầm lòng hổng đặng, chớ tui biết đâu…

Chị Năm phải can:

-Thôi, ba đừng trách mẹ nữa. Cũng tại vợ chồng con khắt khe với nó quá. Nhốt, nó thèm nên mới “liều mạng” trốn đi chơi. Chắc nó theo đám lân nào đi múa về khuya. Ta cứ bình tĩnh ráng chờ thêm.

Anh Năm nghe chị Năm nói ngồi im khe. Phải như mọi hôm, chắc anh đã nổi tam bành.

5.

Mười giờ đêm.

Có tiếng xe máy dừng trước ngõ. Năm khuôn mặt phạc phờ đột ngột tỉnh ra, đồng hướng lom lom ra cửa! Kia, anh trưởng đoàn lân “phật tử” xuất hiện, lấp ló nép sau lưng anh là… thằng Tí.

Anh trưởng đoàn cúi đầu chào cả nhà, chắp tay:

-Cháu thay mặt đoàn lân xin lỗi gia đình về chuyện em Tí tự động theo đoàn đi múa lân mà không xin phép. Cháu cứ ngỡ em đã được gia đình đồng ý, ai ngờ đến cuối buổi em mới thú thật. Em nó mới lỡ dại lần đầu, xin ông bà và cô chú giáo huấn khoan dung…

Giáo huấn gì nữa, mới thấy bóng thằng Tí ló vào anh Năm đã cười ngoác tới mang tai, mặt rạng như mặt trời mới mọc. Nó vừa rụt rè tiến tới trước mặt vòng tay lí nhí anh đã - không cầm lòng được - ôm choàng lấy ông quý tử “Tề Thiên”, cười mà ràn rụa nước mắt. Cả nhà sau giây phút bất ngờ cũng phá lên cười chuyện ông bố miệng hùm gan sứa. Anh cu Tí - mặt vẫn còn tái xám tái xanh vì sợ - ngơ ngác mất mấy giây rồi cũng bật cười…

Y.N

Tin cùng chuyên mục