Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cả nước dự kiến giảm 14 huyện, 619 xã sau sáp nhập, Lâm Đồng giảm 3 huyện
Thứ tư: 11:27 ngày 28/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Bộ Nội vụ, dự kiến giai đoạn 2023-2025, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở 56 tỉnh, thành phố sẽ giảm 14 huyện và 619 xã.

Từ đây đến năm 2030, TP.HCM không sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện - Ảnh: HỮU HẠNH

Từ đây đến năm 2030, TP.HCM không sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện - Ảnh: HỮU HẠNH

Theo Bộ Nội vụ, đến ngày 31-12-2023, 56/56 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (huyện, xã) thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến bộ.

Chi tiết dự kiến sắp xếp huyện, xã

Tổng hợp từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố cho thấy tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị.

Sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Trong đó, Lâm Đồng dự kiến giảm 3 huyện, còn lại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa mỗi địa phương giảm 1 huyện.

Ngoài ra có 19 đơn vị cấp huyện không thực hiện sắp xếp giai đoạn này do có yếu tố đặc thù.

Trong đó, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Tiền Giang mỗi nơi có 1 đơn vị.

Phú Thọ có 3 đơn vị, Quảng Ninh, Quảng Trị mỗi tỉnh có 2 đơn vị.

Cùng với đó, tổng số xã thực hiện sáp nhập là 1.243 và sau sắp xếp giảm 619 xã.

Một số địa phương dự kiến giảm nhiều là Hà Nội 70, Nam Định 51, Nghệ An, Hải Phòng 50, Phú Thọ 48, TP.HCM 39 đơn vị...

Tại Hà Nội, theo phương án của thành phố, dự kiến có 152 xã thực hiện sắp xếp. Sau khi thực hiện sắp xếp sẽ giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã.

Với TP.HCM, theo phương án của thành phố, có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp. Trong đó, dự kiến sẽ có 80 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp ở giai đoạn này. Sau khi thực hiện sắp xếp, thành phố sẽ giảm 39 phường.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, sắp xếp trụ sở, tài sản, đất đai sau khi sắp xếp huyện, xã là những khó khăn, vướng mắc của nhiều địa phương.

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk băn khoăn việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện cùng lúc với chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị, Trung ương.

Tỉnh Hải Dương cho biết công tác sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gặp khó khăn, do khi sáp nhập trước mắt là việc dồn ghép cán bộ, công chức.

Vì vậy hầu hết các chức danh sẽ có tình trạng 1 vị trí nhưng có 3-4 người đảm nhiệm, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức trẻ hóa, có trình độ chuyên môn cơ bản đạt chuẩn theo quy định.

Ngoài ra, một số xã mới hình thành sau sắp xếp không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích theo quy định nhưng không thể sắp xếp với xã thứ ba, do nhiều yếu tố như quy hoạch, lịch sử văn hóa, ảnh hưởng đến giai đoạn sắp xếp sau 2026-2030, nhân dân không đồng thuận.

Tỉnh Hà Tĩnh đề cập việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp dự kiến sẽ khó khăn do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giá trị giảm do không còn nằm trong khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ; khó tìm được người tham gia đấu giá.

Mặt khác, trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài, gây tốn kém chi phí bảo quản tài sản.

Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi đưa ra đấu giá cũng sẽ khó khăn vì cần thời gian để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương...

TP Hải Phòng lo ngại vì phát sinh các vấn đề khó khăn như chuyển đổi giấy tờ cho người dân, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư; xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư. Bên cạnh đó, nguồn lực tổ chức thực hiện gặp khó khăn.

Ngoài ra, các xã, phường, thôn, xóm có tên gọi theo số thứ tự, sau sắp xếp sẽ bị trùng tên gọi.

Từ đó, TP đề nghị cơ quan trung ương ban hành quy định hoặc hướng dẫn về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức và chế độ, chính sách đặc thù cho địa phương thực hiện sắp xếp...

Để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 yêu cầu thời gian tới các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh do sắp xếp huyện, xã.

Trong đó, về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức... dôi dư, vấn đề xử lý trụ sở, đất đai, chuyển đổi giấy tờ cho người dân...

Nguồn TTO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục