Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư, nhưng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua vẫn chậm thu hút đầu tư, nhiều cụm đã quy hoạch gần 4 năm, nhưng chưa có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng đăng ký, không có đơn vị quản lý, dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”.
|
Cụm công nghiệp Thanh Thanh Xuân hiện đã có dự án sản xuất tinh bột mì đi vào hoạt động (ảnh Hoàng Anh).
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh còn 20 cụm công nghiệp được quy hoạch tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh, với tổng diện tích 902 ha (mỗi cụm được quy hoạch trên dưới 50 ha theo quy chế quản lý về cụm công nghiệp).
Đến nay, chỉ có 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động là Thanh Xuân 1 (huyện Tân Biên), Tân Hội 1 (huyện Tân Châu), Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền (huyện Châu Thành), Bến Kéo (huyện Hoà Thành) và chỉ thu hút được 17 doanh nghiệp đăng ký thuê 120 ha đất- đạt 13% tổng diện tích đất quy hoạch. Trong đó mới có 10 dự án đi vào hoạt động, 1 dự án đang triển khai và 6 dự án chưa triển khai. 16 cụm công nghiệp còn lại thì chưa có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa có dự án sản xuất.
Trong hai năm 2012 - 2013, UBND tỉnh đã quyết định xoá quy hoạch 12 cụm công nghiệp và điều chỉnh giảm quy mô 2 cụm với tổng diện tích xoá, giảm là 1.557 ha do liên quan tới đất lúa, không kêu gọi được đầu tư; chỉ để lại 20 cụm như hiện nay, nhưng vẫn trong tình trạng khó kêu gọi đầu tư.
Giải thích về tình trạng chậm thu hút các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, ông Lê Thành Công- Phó Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, mục tiêu phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là để giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trong tỉnh, tiếp nhận các cơ sở sản xuất ô nhiễm (chế biến tinh bột mì, cao su...) di dời ra khỏi khu dân cư, góp phần phát triển công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn.
Nhưng theo cơ chế hiện nay, các cụm công nghiệp do cấp huyện quản lý, hầu hết đều thiếu vốn đền bù, chưa tạo quỹ đất sạch cũng như chưa đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nên chưa thu hút được nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp của tỉnh đa số quy hoạch ở vùng sâu, biên giới, trong khi cơ chế, chính sách (đất đai, thuế, tín dụng...) đối với các cụm công nghiệp lại áp dụng theo quy định chung nên chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, các dự án có vốn đầu tư trong nước chủ yếu xây dựng trên đất đã có quyền sử dụng, hoặc thuê của cá nhân bên ngoài khu, cụm công nghiệp với giá cả rẻ hơn, cũng là nguyên nhân làm hạn chế thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp.
Để đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã quy hoạch, tránh lãng phí đất đai, tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu một số hạng mục cho các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn;
Đồng thời tham mưu Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp thuộc địa bàn vùng sâu, biên giới (địa bàn đặc biệt khó khăn) như giảm tiền thuê đất, được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp, thời hạn dài... nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Lê Đức Hoảnh