BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh: tích cực góp ý trong thảo luận tổ 

Cập nhật ngày: 07/01/2022 - 13:11

BTNO - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6.1, đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tổ. Đại biểu Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi thảo luận.

Đại biểu Phạm Hùng Thái góp ý các dự thảo.

Cần xem xét lại quy định của điều khoản chuyển tiếp

Buổi sáng, đoàn thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

 Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, Luật Điện lực đã góp phần tháo gỡ nút thắt trong kết nối giữa nhà máy phát điện với lưới điện quốc gia, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển lưới điện.

Tuy nhiên, việc sửa đổi lần này chưa giải quyết được những vướng mắc trong phát triển thị trường điện lực. “Sẽ không có nhiều nhà đầu tư có thể đầu tư lưới điện đồng bộ với nguồn điện và người tiêu thụ điện. Để có thể vận hành, sẽ vẫn phải kết nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, mà hệ thống truyền tải điện quốc gia cũng như Trung tâm điều độ điện Quốc gia hiện vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ.

Việc nhà nước độc quyền thống nhất quản lý, kiểm soát trong điều độ và vận hành lưới điện truyền tải quốc gia là cần thiế, nhưng đưa độc quyền của nhà nước thành độc quyền cho EVN là doanh nghiệp, thì bất cập. Do đó, cần sớm nghiên cứu để sửa đổi mạnh mẽ hơn Luật Điện lực cũng như thực hiện trong thực tế việc tách điều độ hệ thống điện quốc gia và việc đầu tư, quản lý, vận hành Hệ thống Truyền tải điện quốc gia ra khỏi EVN”, đại biểu Trần Hữu Hậu nêu ý kiến. 

Về Luật Đầu tư công, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho rằng, Luật có quy định, vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, chương trình, dự án nhóm B, C sử dụng ngân sách địa phương do do HĐND địa phương quyết định chủ trương đầu tư hỗ trợ phù hợp với quy định, trong đó bảo đảm các tiêu chí do trung ương hướng dẫn (trừ các dự án do Trung ương chỉ định phải ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện trong giai đoạn nhằm tăng cường liên kết trong vùng và liên vùng).

“Tuy nhiên, thực tế khi lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, yêu cầu của Trung ương là các tỉnh đăng ký danh mục từng dự án để trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, việc phân quyền chưa đầy đủ, chưa tạo được sự chủ động, triển khai kịp thời cho các địa phương. Đề nghị Trung ương phân quyền đầy đủ và đồng bộ hơn nữa cho các địa phương chủ động; đồng thời, có cơ chế để trung ương giám sát”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nói. 

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cũng đề nghị mở rộng đối với tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với nhóm dự án B và C (chứ không chỉ dự án quan trọng hoặc nhóm A theo Luật hiện hành) vì thực tế vướng mắc rất phổ biến của các địa phương hiện nay là nhiều dự án có quy mô thuộc nhóm B, nhóm C nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Vì vây, nếu được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thì sẽ thuận lợi trong công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và khi phân bổ vốn sẽ triển khai thực hiện dự án được ngay vì đã có sẵn đất sạch (không vướng mặt bằng).

Liên quan đến Luật này, đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị bổ sung “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này” vào khoản 6 Điều 17 Luật Đầu tư công, để phù hợp với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh.

Đối với Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị bổ sung thêm quy định xác định trách nhiệm phát sinh như khiếu nại, tố cáo, thiệt hại phát sinh (nếu có) do cơ quan yêu cầu dừng, tạm dừng xử lý tài sản chịu trách nhiệm. 

Các đại biểu tham gia thảo luận tổ

Về phần sửa đổi nội dung, đề nghị quy định lại trường hợp trả đơn yêu cầu thi hành án như quy định ban đầu tại Điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Lý do, trên thực tế, khi các hồ sơ đủ điều kiện trả đơn yêu cầu và đưa vào lưu trữ sẽ giảm được khối lượng hồ sơ khi đưa vào diện chưa có điều kiện, theo dõi riêng, tăng tỷ lệ hồ sơ xong, giảm áp lực chỉ tiêu cho Chấp hành viên và cơ quan thi hành án.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người được thi hành án trong việc phải theo dõi điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, tránh dồn hết trách nhiệm cho cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó, việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án không làm mất đi quyền, nghĩa vụ của đương sự, mặt khác người được thi hành án có thể yêu cầu thi hành án trở lại bất cứ khi nào nếu phát hiện người phải thi hành án có phát sinh điều kiện thi hành án.

Đại biểu Phạm Hùng Thái cũng đề nghị bổ sung khoản 2a Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 như sau: “2a. Đối với các dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, UBND cấp tỉnh xem xét, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư theo quy định pháp luật đất đai”. Như vậy sẽ không phải thực hiện nhiều thủ tục rườm rà, cơ quan quản lý đầu tư hoàn toàn có thể lấy ý kiến chi tiết về đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất của nhà đầu tư, thẩm định và tổng hợp trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất ngay trong bước đề xuất đầu tư.

Trường hợp cần xin ý kiến, UBND cấp tỉnh có thể trình xin văn bản của của HĐND trước khi quyết định, hạn chế rủi ro trong trường hợp UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sau đó HĐND lại không chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cơ bản đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung các dự án Luật. Tuy nhiên, ông đề nghị xem xét lại về quy định của điều khoản chuyển tiếp. Đề nghị Quốc hội cần cụ thể từng quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định về hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi.

Phát triển thành phố Cần Thơ: cần quy định điều kiện cụ thể khi chuyển mục đích đất lúa 

Buổi chiều, đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án quan trọng Quốc gia theo quy định Luật Đầu tư công. Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện quy hoạch Quốc gia chưa được Quốc hội thông qua nên cần thận trọng rà soát.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng cho rằng, về tổng mức đầu tư 147.990 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 119.666 tỷ đồng (Quốc hội bố trí 47.169 tỷ đồng, còn thiếu 72.197 tỷ đồng). Đây là vốn chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, cần điều phối vốn cho phù hợp. Một vấn đề lưu ý là trong thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 và hoàn thành năm 2026, Chính phủ cần dự kiến các tình huống phức tạp để xử lý kịp thời.

Cũng liên quan dự án này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, cần đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thời gian qua không đạt hiệu quả cao để rút kinh nghiệm. Phương án thu hồi vốn đầu tư công trong tờ trình chưa rõ, cần nghiên cứu kỹ để có phương án khả thi vì nguồn vốn đầu tư công rất lớn.

Góp ý cho Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy băn khoăn, trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách, đối với nội dung về quản lý đất đai, tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp về kinh tế, xã hội chưa rõ. Cụ thể là những tác động đối với người dân không còn đất sản xuất, ảnh hưởng nghề nghiệp, việc làm,… nhất là khi chuyển đổi đất lúa để Quốc hội phân tích, lựa chọn phương án.

Về cơ chế nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ, đề nghị làm rõ nếu không nạo vét khơi thông toàn tuyến có giải quyết được khơi thông luồng lạch để phục vụ vận tải biển như kỳ vọng không. Đồng thời, việc nạo vét này có ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở, sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long hay không và cần quy định thêm điều kiện phải chọn lựa công nghệ thật sự tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực môi trường để phát triển bền vững.

Đại biểu Phạm Hùng Thái có ý kiến: thành phố Cần Thơ nằm trong đồng bằng sông Cửu Long nên cần có quy định điều kiện cụ thể khi chuyển mục đích đất lúa để không làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực Quốc gia, phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia, không ảnh hưởng chỉ tiêu sử dụng đất chung. Trong quá trình chuyển đổi không làm ảnh hưởng lớn về đời sống người dân trong quá trình thu hồi đất, tránh trường hợp khiếu nại khi thực hiện dự án.

Ngọc Diêu