BAOTAYNINH.VN trên Google News

Các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính cũng cần có quyền yêu cầu giám định tư pháp (*)

Cập nhật ngày: 17/11/2011 - 11:03

Chiều 15.11.2011, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp (Luật GĐTP), các vị ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát tổng thể các quy định của dự thảo luật, tránh sự chồng chéo với các văn bản luật khác. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị quy định rõ phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật GĐTP là hoạt động bổ trợ trực tiếp cho hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Về quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính, ngoài trường hợp thực hiện GĐTP theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như quy định hiện hành, đại biểu Tâm đồng ý đương sự trong vụ án dân sự, việc dân sự, vụ án hành chính cũng có quyền được trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc GĐTP; có như vậy, quyền của đương sự mới được mở rộng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ chứng minh của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính.

Đoàn ĐBQH Tây Ninh đang thảo luận ở Tổ

Về cơ cấu tổ chức, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức giám định tư pháp công lập, đại biểu Nguyễn Thành Tâm và đại biểu Nguyễn Hoài Phương cho rằng GĐTP là một loại hình bổ trợ tư pháp, nên các tổ chức GĐTP không tổ chức theo nguyên tắc quản lý hành chính (cấp trên, cấp dưới) là nhằm bảo đảm tính độc lập, khách quan trong hoạt động. Các đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ của các tổ chức GĐTP; và nhất trí hệ thống tổ chức GĐTP công lập được tổ chức ở hai cấp (cấp Trung ương và khu vực hoặc cấp tỉnh, thành phố).

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị việc trưng cầu giám định phải có điểm dừng cuối cùng. Do vậy, dự thảo luật cần quy định rõ thứ tự trong việc trưng cầu, yêu cầu GĐTP. Theo đó, việc trưng cầu, yêu cầu GĐTP lần đầu cần giao cho các tổ chức GĐTP cấp tỉnh hoặc khu vực. Tổ chức GĐTP ở Trung ương chủ yếu thực hiện giám định lại hoặc giám định lần đầu đối với một số trường hợp khó khăn, phức tạp mà tổ chức GĐTP cấp tỉnh hoặc khu vực không đủ các điều kiện thực hiện.

Về giám định viên pháp y ở tổ chức GĐTP kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh, theo quy định tại Điều 13 dự thảo luật, tổ chức GĐTP công lập về pháp y bao gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc ngành Y tế); Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Như thế hệ thống tổ chức GĐTP về pháp y không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (công an cấp tỉnh) như quy định hiện hành. Vấn đề này theo đại biểu Nguyễn Hoài Phương nhận xét, hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực và kịp thời cho hoạt động tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng và không có vướng mắc lớn về tổ chức thực hiện cũng như quản lý Nhà nước. Hơn nữa, theo quy định của dự thảo luật, tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn có tổ chức giám định pháp y. Do đó, đề nghị dự thảo luật giữ quy định giám định viên pháp y tại tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh như hiện hành.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực GĐTP, dự thảo luật quy định bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực GĐTP có nhiệm vụ, quyền hạn “Ban hành quy trình, quy chuẩn giám định tư pháp hoặc hướng dẫn áp dụng quy trình, quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù của lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý của mình”, đại biểu Nguyễn Hoài Phương cho rằng ngoài 3 chuyên ngành giám định cơ bản, có nhu cầu lớn và thường xuyên là pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự thì còn nhiều chuyên ngành khác như tài chính, tín dụng, xây dựng, giao thông vận tải, văn hoá v.v…Trong đó, một số lĩnh vực GĐTP có sự đan xen trong nhiệm vụ quản lý chuyên môn. Do đó, để khắc phục những bất cập hiện nay và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể của bộ, cơ quan ngang bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành quy trình, quy chuẩn giám định tư pháp hoặc hướng dẫn áp dụng quy trình, quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp, nhất là đối với các lĩnh vực giám định cơ bản, có nhu cầu lớn và thường xuyên.

DUY QUANG

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt

 


 
Liên kết hữu ích