Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đứng trước những bức tranh chan chứa xúc cảm, tình yêu như thế thì ngay cả các hoạ sĩ thầy cô cũng phải chịu thua, chọn giải nhất, nhì, ba để trao không phải là chuyện dễ dàng.

Chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, thời gian qua, nhiều trường học trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động hướng về chủ đề này. Ở Trường Thực nghiệm Giáo dục phổ thông Tây Ninh, Liên hoan văn nghệ dự kiến diễn ra vào sáng nay 4.10 với đủ các loại hình: thi viết, vẽ tranh, biểu diễn âm nhạc và thơ viết về Hà Nội… Không gian biểu diễn hẳn sẽ trở nên “thi vị” hơn nhờ có vài cây hoa sữa đang mùa trĩu bông, toả ngát hương đứng ở góc sân trường. Vậy là đủ cả: âm thanh, màu sắc, vũ điệu, văn thơ và cả mùi hương rất đặc trưng Hà Nội.
![]() |
Các em vẽ về Hà Nội |
Đã có mấy bạn nhỏ được về Hà Nội đâu, ngoài một vài em đã được cha mẹ cho đi thăm, hoặc được dự trong đội tuyển thi an toàn giao thông vòng quốc gia năm 2009; thế nhưng, qua các bài học hay sách báo mà các cô cậu học trò nhỏ đã có nhiều xúc cảm thật chân thành thể hiện qua các bài viết của mình. Như Lê Đỗ Lan Anh, yêu Hà Nội qua nét đẹp giản dị ấm áp tình người và một cây kem Tràng Tiền nổi tiếng. Còn Nguyễn Nam Linh thì giống như nhiều người: yêu phở. Linh khẳng định: “Chỉ có ở Hà Nội mới có phở ngon nhất...”. Không may cho bạn là đã lấy ví dụ không chuẩn- bảo rằng phở ngon là ở phố Hàng Bồ. Nguyễn Trần Minh Thư, lớp 6A2, thì: “cảm thấy thân thuộc và yêu nơi này biết bao - yêu mùa thu vàng Hà Nội…”. Nhiều bạn nhỏ khác đã cảm nhận Hà Nội bằng thơ và nhạc đã chuẩn bị sẵn. Như lấy câu ca dao “chẳng thơm cũng thể hoa nhài…” hoặc trong bài ca “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội…” làm chủ đề cho bài cảm nhận của mình. Trương Diệp Linh, lớp 9A1 trình bày ước mơ khi đến tuổi 25 vào năm 2020: “cùng các bạn và mẹ sẽ bay chuyến bay Boing 777 đáp xuống Hà Nội vào đúng ngày 1.1.2020 để thực sự có những khám phá kỳ thú về Thăng Long - Hà Nội…”.
Tranh cũng là một thế mạnh cho các cây cọ nhí biểu diễn tình yêu Hà Nội, đôi khi còn diễn đạt được nhiều hơn vì đây là tác phẩm tập thể. Mỗi đội có 4 - 5 em, tha hồ mỗi người một ý. Nổi bật lên trong hàng chục khuôn tranh khổ lớn là các hình tượng các em từng được học, được nghe. Như Tháp Rùa, Hồ Gươm, Chùa Một Cột, gác Khuê Văn, Lăng Bác, Cột Cờ. Ngộ nhất là một bức tranh có cả Văn miếu Quốc Tử Giám và Hồ Gươm, trong đó cụ rùa ở Văn miếu thì cõng tấm đá bia, còn cụ rùa Hồ Gươm thì đang thanh thản bơi giữa một không gian thanh bình và lộng lẫy, có trẻ em vui chơi ca hát. Lại có tranh vẽ về quảng trường Ba Đình nổi bật lên khối hình Lăng Bác. Rất nhiều tốp trẻ em và thầy cô giáo đang tay dắt dạo chơi trên thảm cỏ xanh ngời, dưới bóng rợp cờ hội in hình đất nước bay bay. Lại có bức chuyên đặc tả những ngôi nhà phố cổ với tường mái đủ kiểu, đủ màu trông như tranh Phố Phái (Bùi Xuân Phái). Nhà cửa, mái ngói nhiều dáng vẻ, nhiều màu sống động, cùng những cây xanh, tháp bút, cột cờ như quện vào nhau trong một bố cục màu và khối hình tuyệt mỹ. Đứng trước những bức tranh chan chứa xúc cảm, tình yêu như thế thì ngay cả các hoạ sĩ thầy cô cũng phải chịu thua, chọn giải nhất, nhì, ba để trao không phải là chuyện dễ dàng.
NGUYỄN QUANG VĂN