Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 20-4, Tổng cục Hải quan tổ chức hội nghị Tổng kết công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của Tổng cục Hải quan và giới thiệu các Hiệp định thương mại tự do. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Linh.
Tại hội nghị này, Tổng cục Hải quan đã tổng kết công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong 10 năm qua (giai đoạn 2005-2015) và định hướng công tác trong giai đoạn 2016-2020 của Ngành.
Điểm lại những kết quả công tác hợp tác hội nhập quốc tế của ngành Hải quan, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của Ngành đã được triển khai tích cực và chủ động; duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Qua đó, Hải quan Việt Nam đã tiếp cận được các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, điển hình là việc tiếp nhận các dự án do các nước đối tác tài trợ như: Dự án VNACCS/VCIS; dự án máy soi container; dự án tăng cường năng lực về quản lý rủi ro; dự án tăng cường năng lực cán bộ hải quan tại cửa khẩu; dự án trang bị máy soi trong khuôn khổ kiểm soát XK…
Thông quan hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế đã tạo cơ hội cho Hải quan Việt Nam khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình tại các tổ chức quốc tế như WCO, WTO, ASEAN, APEC, ASEM, GMS… Đồng thời, triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về hải quan góp phần thực hiện nội dung các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã ký kết, gia nhập.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN đã giúp Hải quan Việt Nam tiếp cận có hệ thống, cụ thể, chi tiết và đầy đủ các nội dung nghiệp vụ có tính cam kết cao trong ASEAN nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hải quan đúng chuẩn mực quốc tế. Thông qua hoạt động hợp tác hải quan APEC, Việt Nam đã nâng cao uy tín vị thế của mình tại các diễn đàn quốc tế, tận dụng cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại tiên tiến góp phần thúc đẩy quá trình cải cách hiện đại hóa hải quan…
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong lĩnh vực hải quan các nội dung chủ yếu của hợp tác hải quan quốc tế hiện này ở mọi khuôn khổ đều xoay quanh vấn đề tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh cho dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế. Chính vì vậy, trong giai đoan 2016-2020, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan gắn chặt với yêu cầu hợp tác và hội nhập quốc tế.
Cụ thể là thực hiện các cam kết quốc tế về hải quan, liên quan đến hải quan; triển khai các nội dung hải quan trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015; thực hiện tốt gần 40 thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương; thực hiện các FTA đã ký kết, thực hiện các quy định của WTO; tăng cường áp dụng, thực thi các biện pháp phi thuế quan…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, thông qua hội nghị này, Tổng cục Hải quan tổng kết lại những kết quả đạt được trong công tác hợp tác và hội nhập quốc tế ngành hải quan để qua đó đánh giá mức độ sẵn sàng của ngành Hải quan khi thực hiện các hiệp định tự do thương mại đáp ứng được yêu cầu nhà nước trong việc vừa thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại đồng thời đảm bảo nguồn thu NSNN, sản xuất trong nước, sức khỏe cộng đồng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, điều quan trọng là các đơn vị phải nhận thức được những vấn đề liên quan trực tiếp đến cơ quan Hải quan, từ đó xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình đặc thù ở từng địa bàn. Chẳng hạn như, các địa phương biên giới phía Bắc, trong bối cảnh có các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc cần làm thế nào để kiểm soát được lưu lượng hàng hóa thương mại giữa hai nước, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu hàng hóa qua biên giới vào Việt Nam; hay tại các cảng biển, sân bay lớn, trong bối cảnh du lịch, thương mại ngày càng phát triển, từ đó đặt ra yêu cầu phải cải cách hoạt động hải quan đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển nền kinh tế, cũng như bảo vệ an ninh cộng đồng.
Tại hội nghị, một nội dung quan trọng được giới thiệu tới các đại biểu là khái quát về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), quy tắc xuất xứ trong các FTA và cam kết thuế trong các FTA. Cùng với hoạt động hợp tác, hội nhập của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do là vai trò quản lý hải quan và tạo thuận lợi trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Nguồn HQ Online