Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Như tin đã đưa, tại kỳ họp lần thứ 6 - HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016 (diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7.12. 2012) có 4 vị lãnh đạo các sở, ngành tỉnh trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường.
(BTN)- Như tin đã đưa, tại kỳ họp lần thứ 6 - HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016 (diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7.12. 2012) có 4 vị lãnh đạo các sở, ngành tỉnh trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Thi hành án dân sự và Sở Y tế.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư |
* Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Nhà đầu tư Trung tâm thương mại trên khu đất Quân y viện cũ gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh: Dự án xây dựng Trung tâm thương mại tại khu đất Quân y viện cũ được xem là “khu đất vàng” ở trung tâm thị xã Tây Ninh, vì sao chỉ mới thi công phần khung nhà rồi lại ngưng? Tương lai của dự án này như thế nào? Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án nói trên có quy mô diện tích 14.734m2, do Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh làm chủ đầu tư. Sau khi được phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh tiến hành làm thủ tục về đất đai, xin giấy phép xây dựng. Trong thời gian này, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh chậm triển khai thực hiện do Tập đoàn Bourbon đã chuyển nhượng vốn cho các công ty khác là Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Thành Thành Công và Công ty TNHH Đặng Thành. Ngày 12.11.2010, Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Thành Thành Công chính thức tiếp nhận Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh. Ngày 25.11.2011, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh tổ chức khởi công xây dựng công trình Trung tâm thương mại Tây Ninh. Sau khi làm lễ khởi công, Công ty đã triển khai xây dựng được phần móng. Đến tháng 6.2012, công trình này tạm dừng thi công. Nguyên nhân chính là do thay đổi lãnh đạo từ phía Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín Sacombank là đơn vị thụ hưởng công trình. Đồng thời phía Sacombank đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, không thuê đất và không chịu trách nhiệm từ dự án này. Hiện tại, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh đang tích cực tìm kiếm giải pháp để khắc phục, nhằm tiếp tục thi công lại công trình trong thời gian sớm nhất. Ngày 24.11.2012, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh có văn bản trình bày nguyên nhân chậm triển khai là do Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nên việc tìm kiếm đối tác để tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết chưa thực hiện được. Công ty có kiến nghị cho phép Công ty được hoãn tiến độ thực hiện dự án hai năm để tiếp tục tìm kiếm đối tác triển khai dự án. Nếu không được chấp thuận kiến nghị này, đề nghị các ngành giới thiệu đối tác để Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh chuyển nhượng dự án đầu tư. Nội dung này Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận. Sở sẽ phối hợp với ngành chức năng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau khi ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục đặt vấn đề: Theo báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước chi cho chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong năm 2012 đều đạt trên 100% dự toán. Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số ngành thì đến nay việc giải ngân nguồn vốn này đạt chưa đến 50%. Khả năng đến cuối năm 2012 có giải ngân hết nguồn kinh phí này không?
Trả lời chất vấn này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2012, Tây Ninh được Trung ương hỗ trợ 117,241 tỷ đồng và khoản vốn chương trình MTQG vốn của các năm trước chưa sử dụng chuyển sang là hơn 49,027 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn chương trình MTQG được thực hiện năm 2012 là hơn 166,268 tỷ đồng. Kết quả thực hiện đến ngày 31.10.2012, khối lượng thực hiện đạt hơn 43,552 tỷ đồng, giải ngân hơn 43,139 tỷ đồng, đạt 25,95% kế hoạch. Nguyên nhân giải ngân đạt thấp là do: Trung ương giao kế hoạch vốn chậm (đến tháng 5.2012 mới giao). Một số đơn vị chưa có bước chuẩn bị đầu tư tốt. Một số dự án phải chờ hướng dẫn của Trung ương. Việc giao vốn cho đơn vị, xét duyệt kế hoạch của đơn vị còn chậm, thiếu kiểm tra đôn đốc. Một số đơn vị chưa chủ động tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua theo dõi, nắm tình hình, trên cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian qua, về thực hiện và đánh giá khả năng thực hiện của các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã dự kiến năm 2012 thực hiện giải ngân là hơn 158, 185 tỷ đồng, đạt 95,14% KH.
Ông Vương Quốc Thới - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
*Ông Vương Quốc Thới - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng.
- Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Theo chủ trương tại Quyết định 875/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thì những nơi dân cư sống ổn định tập trung, có cơ sở hạ tầng, cần xem xét ổn định tại chỗ, những nơi dân cư sống rãi rác trong đất lâm nghiệp, điều kiện sống không tốt cần xem xét di dời. Đề nghị UBND tỉnh cho biết đến nay chủ trương này đã thực hiện đến đâu? Tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra phức tạp, kéo dài nhiều năm, đề nghị UBND tỉnh cho biết việc chỉ đạo xử lý đến nay như thế nào?
Ông Vương Quốc Thới - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, về vấn đề di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp được thực hiện theo Quyết định 875 của UBND tỉnh, có hai nội dung chính là xử lý đất bị bao lấn chiếm trong đất lâm nghiệp và di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp. Đến giờ này, Ban Chỉ đạo thực hiện 875/QĐ-UBND thực hiện di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp còn chậm. Hiện nay mới đang thực hiện đề án di dời dân. Nguyên nhân chủ yếu phải tập trung cho việc xử đất bao chiếm rất lớn, với 4.117 ha trên địa bàn 5 huyện, khối lượng công việc rất nhiều. Về quan điểm di dời dân là phải có chế độ chính sách hỗ trợ. Sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp cũng chưa quyết liệt lắm. Do đó đến giờ này việc di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp vẫn còn… nằm trên đề án. Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 có khả năng ngành Nông nghiệp sẽ lập xong đề án, và có thể qua Tết sẽ thực hiện đề án di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp.
Trả lời câu hỏi về tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, ông Vương Quốc Thới cho biết, theo thống kê của Sở NN và PTNT, trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh phát hiện, ngăn chặn và xử lý 250 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (tăng 53 vụ so cùng kỳ năm trước). Trong đó chặt phá lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây rừng là 112 vụ với 70 ha. Tình trạng chặt phá rừng chủ yếu xảy ra ở rừng phòng hộ. Tình trạng rong cành chặt nhánh thường xảy ra. Năm nay, ngành đã tham mưu UBND tỉnh xử lý quyết liệt và đã đề nghị xử lý hành chính 27 vụ, có vụ phạt đến 50 triệu đồng. Sau khi ban hành quyết định xử phạt, tình trạng rong cành chặt nhánh ở rừng trồng tuy cũng còn diễn ra, nhưng mức độ đã giảm. Việc lấn chiếm diễn ra ở rừng phòng hộ Dầu Tiếng, chủ yếu ở khu vực xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Sở NN và PTNT cùng với các ngành liên quan đã bàn nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này. Đến giờ này tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực này vẫn còn xảy ra khá phức tạp. Hiện nay, Sở NN và PTNT cũng đã có văn bản đề nghị xử lý mạnh. Trước hết là đẩy mạnh kiểm tra, truy quét ngăn các đối tượng có hành vi chặt phá rừng. Đối với những trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà không phát hiện được đối tượng vi phạm thì cũng kiên quyết xử lý để lập lại trật tự kỷ cương bảo vệ rừng. Đối với những trường hợp có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phải kiên quyết tổ chức thực hiện quyết định.
D.H
(còn tiếp)