Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 18.3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Hứa Đức Nhị cùng Đại sứ các nước Phần Lan, Hà Lan và Thụy Sỹ đã ký kết Biên bản ghi nhớ kéo dài thời gian hoạt động của Quỹ uỷ thác lâm nghiệp (TFF) ở Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2012.
Rừng U Minh |
Ngày 18.3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Hứa Đức Nhị cùng Đại sứ các nước Phần Lan, Hà Lan và Thụy Sỹ đã ký kết Biên bản ghi nhớ kéo dài thời gian hoạt động của Quỹ uỷ thác lâm nghiệp (TFF) ở Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2012.
Nội dung hoạt động của Quỹ TFF trong giai đoạn này hoàn toàn nhất quán với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và mục tiêu ưu tiên của Quỹ TFF là hỗ trợ triển khai chiến lược này.
Thứ trưởng Hứa Đức Nhị cho biết với biên bản ghi nhớ này, ngành lâm nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng quốc tế để thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững hướng tới xóa đói giảm nghèo và các biện pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Thay mặt các nhà tài trợ, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Pekka Hyvönen bày tỏ tin tưởng Quỹ TFF sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam, đáp ứng sự quan tâm chung của cộng đồng các nhà tài trợ và chính phủ Việt Nam đối với ngành lâm nghiệp.
Quỹ TFF được thành lập từ năm 2004 trên cơ sở hợp vốn của nhiều nhà tài trợ, nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các đối tác phát triển song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ Việt Nam triển khai các chính sách lâm nghiệp.
Từ khi thành lập đến nay, Quỹ TFF đã hỗ trợ tài chính cho việc thực thi Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, với các mục tiêu ưu tiên là quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế của người dân sinh sống tại các khu vực phụ thuộc vào rừng và gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân.
Hiện Quỹ TFF đã hỗ trợ cho 22 dự án lâm nghiệp của Việt Nam với tổng kinh phí gần 28 triệu euro. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những dự án này được triển khai đã có những tác động tích cực đến cuộc sống của người dân nghèo sống phụ thuộc vào rừng tại các vùng rừng chủ yếu của Việt Nam, đặc biệt là vùng Tây Nguyên.
(Theo Vietnam+)